|
Hội phát động 10.000 hộ gia đình nông dân ở cơ sở đăng ký “Hộ cam kết tham gia thực hiện bảo vệ môi trường” ở các địa phương |
Các cấp Hội đã tổ chức 27 lớp tập huấn có 1.287 người tham dự; tuyên truyền 2.607 cuộc trong phum, sóc, ấp với 7.650 lượt người dự; sinh hoạt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” (có người dân tộc) được 1.176 cuộc có 35.280 lượt thành viên; cung cấp 350.280 tờ bướm các loại (bằng chữ Khmer) cho các thành viên; tổ chức 4 cuộc mit-tinh ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên phát động nhân “Ngày môi trường thế giới”, “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” có 1.200 người tham dự.
Hàng năm, Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh và một số huyện tổ chức tuyên truyền cho hơn 2.000 lượt người dân tộc thiểu số. Các đại biểu được hướng dẫn và cung cấp các kiến thức về phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải trong sản xuất nông nghiệp, trong làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, thành lập mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật thông qua việc xây các hố chứa bằng xi-măng tại tuyến đường ra đồng để thu gom bao bì, vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật.
Hội phát động 10.000 hộ gia đình nông dân ở cơ sở đăng ký “Hộ cam kết tham gia thực hiện bảo vệ môi trường” ở các địa phương; phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 150 lớp tập huấn cho 4.500 nông dân về kỹ thuật sản xuất lúa theo nguyên tắc “4 đúng”, “1 phải 5 giảm”; tổ chức 1.210 cuộc hội thảo với 10.000 lượt nông dân tham dự hướng dẫn sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, vận động nông dân sử dụng rơm rạ trồng nấm tiết kiệm vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tăng lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước, sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức 1.194 lớp dạy nghề, có 32.293 học viên tham gia. Trong đó, tổ chức 242 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc, có 3.969 học viên dự; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 123.969 lượt hội viên, nông dân, trong đó có 3.019 lươt hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số; xây dựng 155 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho người dân tộc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ các làng nghề truyền thống dân tộc, tăng thu nhập cho người dân tộc, bảo vệ môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất cát, lúa Nàng nhen, cam hồng trên núi Cấm, xoài cát, dệt thổ cẩm, cốm dẹp, đường thốt nốt, lạp xưởng bò, nuôi bò, lợn, gà, vịt theo hướng an toàn sinh học, điện năng lượng mặt trời…
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã chủ động tìm kiếm các thông tin từ Trung ương Hội ND Việt Nam (Ban Hợp tác quốc tế), từ Chính Phủ (Bộ Nông nghiệp), trang Web của các tổ chức Phi Chính phủ... Qua đó, xây dựng trên 15 dự án, kêu gọi tài trợ 7 dự án: Về khuyến nông, xây dựng mô hình hợp tác sản xuất lúa gạo bền vững theo chuỗi, phát triển ngành nghề truyền thống sản xuất đường thốt nốt của người dân tộc thiểu số, ứng dụng công nghệ thông tin, vệ sinh môi trường, du lịch nông dân... với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
Thông qua các hoạt động dự án đã giúp 45 xã ở 11 huyện, thị, thành phố, thu hút 2.950 lượt hộ nông dân trực tiếp tham gia, hưởng lợi và trên 14.500 hộ nâng cao trình độ sản xuất, được cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh, phát huy hiệu quả ngành nghề truyền thống, xây dựng nhiều mô hình du lịch nông dân được du khách trong và ngoài nước biết đến, tập hợp, hướng dẫn nông dân vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.
Đặc biệt có 04 dự án tập trung ở 05 huyện miền núi, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Dự án “Xây dựng mô hình Du lịch nông nghiệp nông dân” do Tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ, tổng kinh phí 8,673 tỷ, triển khai ở 15 xã của 11 huyện, trong đó có 6 xã có người dân tộc thiểu số (mỗi xã 20 hộ). Dự án “Phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tịnh Biên thông qua sư, sãi, à cha”, kinh phí 449 triệu (tỉnh đối ứng 100 triệu) do ngân hàng Thế giới (VACI) tài trợ với sự hợp tác của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, đã đào tạo 560 hộ Khmer và sư sãi, à cha về kiến thức pháp luật, được ngân hàng Thế giới chọn báo cáo điển hình trong tổng kết chương trình năm 2016 tại Hà Nội. Dự án nâng cao nhận thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua hướng dẫn xây dựng mô hình chuồng gia súc hợp vệ sinh tại 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với kinh phí 700 triệu đồng do Trung tâm Môi trường nông thôn (TW Hội NDVN) và Quỹ Môi trường Sida tài trợ, qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán bao đời của người Khmer di dời chuồng bò từ trong nhà ra ngoài, tận dụng phân bò thành phân hữu cơ có ích, không để rơi vãi gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” với tổng kinh phí thực hiện 6.175,7 triệu đồng do Tổ chức phát triển nguồn nhân lực Châu Á tài trợ, nhằm đào tạo 200 hộ người dân tộc Khmer khôi phục nghề khai thác, chế biến đường thốt nốt truyền thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ môi trường.
Những đóng góp của Hội ND các cấp đã góp phần hoàn thành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020 của tỉnh. Theo báo cáo của ngành chức năng, kết quả nổi bật thực hiện chính sách dân tộc ở lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới giảm còn 24,17% so tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Trong 5 năm, Hội đã tổ chức 02 lần Đại hội tuyên dương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” lần thứ XVI, XVII, có 168.618 nông dân được công nhận danh hiệu nông dân giỏi 04 cấp, trong đó có 8.431 nông dân giỏi là người dân tộc thiểu số. Tổng doanh thu của nông dân giỏi qua 2 kỳ đại hội đạt 7.732 tỷ đồng. Thông qua phong trào có 32.000 ha lúa được chuyển sang vườn, cây ăn trái và chăn nuôi, giảm dần sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, nhạy bén hơn trong sản xuất - kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều nông dân giỏi là người dân tộc trong phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường ở nông thôn, phát huy truyền thống dân tộc, “Lá lành đùm lá rách” giúp đỡ các hộ dân tộc nghèo ổn định cuộc sống.