Nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả
11:18 - 11/06/2020
(MTNT)- Những năm qua, các cấp Hội đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm thay đổi hành vi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Sau mỗi đợt xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản (Nam Định) phát động phun thuốc bảo vệ thực vật, các Tổ thu gom lại tổ chức thu nhặt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn rơi vãi trên đồng ruộng


Tại Nam Định, Hội ND huyện Vụ Bản đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân nói riêng và cộng đồng nói chung về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, nổi bật là phong trào “Nông dân chung tay xây dựng NTM, bảo vệ môi trường”. Để triển khai phong trào, Hội ND huyện đã phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh và Phòng TN&MT huyện tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, mít tinh, in phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường để hưởng ứng các Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm…
 
 
Hội ND xã Cộng Hòa đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 12 tuyến đường nông dân tự quản bảo vệ môi trường; thành lập Tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng ở 12 chi Hội, giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.
 
 
Bên cạnh đó, sau mỗi đợt xã phát động phun thuốc bảo vệ thực vật, các Tổ thu gom lại tổ chức thu nhặt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn rơi vãi trên đồng ruộng, đưa về các bể chứa rồi chuyển đi xử lý theo quy định, nhờ vậy, đồng ruộng không còn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
 
 
Năm 2019, Hội ND huyện đã chọn thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng làm điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, rác thải rắn tại hộ gia đình thông qua việc hỗ trợ 90 thùng đựng rác cho các hộ dân trong thôn; phối hợp với Phòng TN&MT huyện, Hội ND xã Hợp Hưng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phân loại, xử lý rác thải theo đúng quy định.
 
 
Ngoài ra, Hội ND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn thành lập “Tổ tự quản vệ sinh môi trường” tại các chi Hội. 100% các chi Hội ở các thôn, xóm đã thành lập Tổ tự quản, với trên 1.560 hội viên, nông dân tham gia. Các Tổ tự quản tổ chức dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh thoát nước ở khu dân cư vào ngày Chủ nhật cuối tháng, giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
 
 
Điển hình như mô hình “Tổ vệ sinh yêu nước” ở chi Hội xóm Tư 2, xã Trung Thành, với 30 thành viên tham gia. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân trong thôn về ý thức bảo vệ môi trường; sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường; sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nói không với thực phẩm bẩn… Các thành viên trong Tổ còn thường xuyên tham gia nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo bóng mát.
 
 
Hiện, toàn huyện xây dựng được 313 tuyến đường treo biển nông dân tự quản bảo vệ môi trường, với tổng chiều dài 150 km. Hội ND các xã Trung Thành, Hiển Khánh, Hợp Hưng đã vận động hội viên trồng, chăm sóc 4 tuyến đường cây xanh, với chiều dài 5.500 m.
 
 
Tại Quảng Ngãi, toàn huyện Bình Sơn có 100% cơ sở Hội đồng loạt triển khai với 97 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đang hoạt động hiệu quả.
 
 
Điển hình như mô hình "Bảo vệ môi trường” ở chi Hội An Cường, xã Bình Hải, trước đây người dân có thói quen vứt rác ra hai bên đường vắng người qua lại lâu dần thành bãi rác gây ô nhiễm, chi Hội ND An Cường đã phân công thành viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định và xin UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường trên. Nhờ vậy mà ý thức người dân dần được nâng cao.
 
 
Hay mô hình “Thu gom rác thải trên cánh đồng” của nông dân các xã: Đức Phong, Đức Hiệp- huyện Mộ Đức cũng đã được nông dân đồng tình hưởng ứng và được các cấp chính quyền ghi nhận. Bằng việc vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền mua hố bao xi-măng đặt trên các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối tháng sẽ được các chi Hội trưởng Hội ND của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để tiêu thụ (đốt và phân hủy). Nhờ đó, tình trạng vứt rác, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi xuống kênh, mương đã hạn chế đáng kể.
 
 
Ở các xã vùng cao của huyện miền núi Sơn Hà, như: Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy và Sơn Thành đều có mô hình "Tổ vệ sinh – bảo vệ môi trường" do Hội ND xã thành lập. Định kỳ hàng tháng, Tổ phát động bà con ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo các đoạn đường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
 
 
Đến nay, các cấp Hội ND đã vận động hơn 450.000 lượt người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn, tổ chức 678 buổi sinh hoạt truyền thông về Luật bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả với gần 24.500 lượt người tham dự.
 
 
Hàng năm, hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới 5/6, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục ngàn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Các cơ sở Hội phát triển các Câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, Tổ thu gop xử lý rác thải.
 
 
Năm 2019, Hội ND xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã thí điểm thành công mô hình phân loại rác thải trong sinh hoạt. Bằng cách tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt ra thành từng loại và tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Còn rác thải rắn thì tập trung đến một địa điểm để xe thu gom rác đến gom đi. Đồng thời tuyên truyền cho người dân trong thôn, xóm, hộ nào có gia cầm, gia súc chết là mang đi chôn lấp rồi phun thuốc khử trùng chứ không vứt bừa bãi như trước kia.
 
 
Tại thành phố Cần Thơ, Hội ND các cấp trên địa bàn thành phố đã vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch đẹp. Qua đó, nông dân đã cụ thể hóa bằng việc phát quang bụi rậm xung quanh nhà, trồng cây xanh; thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
 
 
Hội ND tỉnh phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội ND các cấp trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chủ động phối hợp cơ quan chức năng vận động, tổ chức lắp đặt thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, giới thiệu hỗ trợ xây dựng túi biogas trong chăn nuôi; vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về môi trường.
 
 
Hội ND các quận, huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức “Lễ ra quân” hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.
 
 
Hội còn phối hợp địa phương và các ngành liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ bà con nông dân áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường theo hướng VietGAP.
 
 
Các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền tập huấn giúp người dân ý thức về sản xuất an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, thực hiện sản xuất lúa theo quy tắc “1 phải 6 giảm”… góp phần hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm và trong nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội ND tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tuyên truyên cho người dân không đốt rừng, đốt rẫy để làm nương; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Tân Phú
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn