Hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp ở Bình Định
19:06 - 14/04/2020
Bám riết cây lúa từ bao đời nay mà khó khăn luôn bủa vây cuộc sống, nông dân Cát Tài đã làm cuộc “cách mạng” trong sản xuất và nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.
Ớt là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên chân đất ven sông La Tinh ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: MH.

Phá thế độc canh lúa

Không đợi đến khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, cách đây hàng chục năm, chính quyền xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) đã thực hiện chuyển đổi trồng cây màu trên đất lúa. 

Cát Tài có diện tích đất sản xuất màu trên 350ha, chiếm 2/3 trong số diện tích này nằm dọc sông La Tinh, còn lại nằm ven chân núi Bà. Là vùng quê thuần nông, từ xưa đến nay cuộc sống của người dân xã Cát Tài hầu như trông cậy cả vào vài trăm mét vuông đất trên đầu người với cây lúa. Trong khi sản xuất lúa với diện tích manh mún như thế nông dân chẳng biết lời lãi là gì.

Không cam lòng với cuộc sống khốn khó, nông dân Cát Tài đã bứt ra khỏi những cái gọi là truyền thống của ông cha để lại, là một mực bám vào cây lúa với kiểu canh tác cũ, tìm đến với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những cách làm mới. Kết quả họ đã có lựa chọn đúng.

“Người dân luân canh, xen canh những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Đậu phộng, ngô lai, ớt, dưa hấu, mè...

Từ năm 2012, Cát Tài đã chuyển được 135ha đất trồng lúa bấp bênh sang sản xuất cây trồng cạn với các quy hoạch cụ thể như: Đậu phộng vụ đông xuân kéo dài sang vụ hè; bắp lai vụ thu; lúa vụ mùa hoặc đậu phụng; ớt vụ đông xuân và vụ hè. Trên cùng một diện tích có đến 4 - 5 lượt cây trồng/năm.

Nhờ đó, đã có trên 200ha đạt mức thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/ha/năm. Có khoảng 55% số hộ trong tổng số hơn 2.200 hộ toàn xã thực hiện chuyển đổi”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho hay.

Nông dân Lê Bá Danh ở xã Cát Tài khẳng định: “Sản xuất cây trồng cạn không cần nhiều nước tưới như cây lúa, việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản, hiệu quả cao hơn hẳn độc canh lúa. Như gia đình tôi chuyển toàn bộ 8 sào đất sang trồng đậu phộng xen ngô hoặc các loại cây trồng cạn khác, hiệu quả tăng gấp 3 – 4 lần so với sản xuất lúa”.

Người dân Cát tài thu hoạch đậu phộng. Ảnh: MH.

Người dân Cát tài thu hoạch đậu phộng. Ảnh: MH.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đánh giá: Xã Cát Tài là một trong những địa phương thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sớm và mạnh nhất Bình Định.

 

Thành công của nông dân Cát Tài sau này được nông dân các địa phương khác làm kinh nghiệm để thực hiện trên đồng đất của mình. Một điểm sáng khác của Cát Tài là hiện nhiều nông dân xã này đang là bạn hàng thân thiết của các trang trại bò sữa Bình Định về cung ứng ngô sinh khối với diện tích hàng trăm héc ta.

“Bán ngô sinh khối cho trang trại bò sữa, nông dân được lợi đủ bề. Mỗi sào ngô (500m2) nông dân thu từ 2,7 - 2,8 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng từ 700.000đ -  900.000đ, thời gian canh tác lại rút ngắn được 1 tháng so trông ngô lấy hạt. Bình Định đang phát triển mạnh đàn bò chất lượng cao, nhu cầu thức ăn ngày càng tăng, nông dân lại có thêm cơ hội mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối”, ông Hùng khẳng định.

Những công thức sản xuất “đẻ” ra tiền

Càng tìm hiểu sâu chúng tôi càng khâm phục sự đa dạng trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân xã Cát Tài.

Những diện tích trước đây sản xuất 3 vụ lúa/năm nay đã được phá thế độc canh, chỉ còn làm 2 vụ lúa và 1 vụ màu: Lúa đông xuân, màu vụ hè và lúa vụ 3. Có những diện tích trước đây cũng làm 3 vụ lúa/năm nay đã được chuyển thành 2 vụ màu và 1 vụ lúa/năm: Sản xuất đậu phộng vụ đông xuân; hành vụ hè; tiếp đến hành vụ thu.

Người dân Cát tài thu hoạch hành đông xuân. Ảnh: MH.

Người dân Cát tài thu hoạch hành đông xuân. Ảnh: MH.

Riêng vùng đất ven sông khoảng 50ha trước đây nông dân làm lúa đông xuân, làm mè vụ hè, vụ 3 làm lúa trở lại. Thế nhưng hiện nay trên vùng đất này không còn xuất hiện cây lúa nữa, mà đã được thay thế bằng cây hành trồng lấy lá bán cho người tiêu dùng ăn rau sống, hoặc ớt, dưa hấu. Các loại cây nói trên được luân phiên trồng quanh năm. 

Theo nông dân Cát Tài, cây hành trồng trong vụ đông xuân cho hiệu quả cao nhất, có năm giá bán rất tốt, từ 20.000đ – 25.000đ/kg, lãi gấp 10 lần so với làm lúa.

So với cây lúa, cây đậu phộng ở Cát Tài cũng cho lãi gấp 4 lần. Năng suất đậu nếu thâm canh tốt có thể đạt 450kg – 500kg tươi/sào, có năm giá bán cao đến 15.000đkg tươi, chỉ tính mức năng suất thấp nhất 400kg tươi/sào thì nông dân cũng thu được 6 triệu đồng/sào.

Từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với phương pháp luân canh, xen canh hiệu quả, đến nay đời sống của nông dân xã Cát Tài khởi sắc trông thấy. 

Để đạt được thành công trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Cát Tài có được sự hỗ trợ không ít của ngành khuyến nông Bình Định. Ví như khi đối tác tiêu thụ đậu phộng yêu cầu nông dân phải trồng đậu 2 nhân, hạt to, ít rãnh trên vỏ, khi thu hoạch nhân phải ăn kín vỏ. Ngành khuyến nông Bình Định đưa ra giống L14, đây là giống đậu phộng có năng suất cực cao, lại ít bị bệnh chết ẻo và các tiêu chí về hạt đáp ứng được yêu cầu của đối tác tiêu thụ.

(Ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát)


Đình Thung - Minh Hậu
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn