Với tình yêu đất, yêu cây, chàng trai cử nhân khoa cơ khí ô tô, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trương Duy Thiết sinh năm Nhâm Tý (1972), ở xã Việt Cường, huyện Yên Mỹ đã thành công với mô hình trồng cam đường Canh mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
|
Anh Trương Duy Thiết giới thiệu với khách về chất lượng cam canh của gia đình |
Thăm gia đình anh Thiết, chúng tôi dường như bị choáng ngợp bởi bạt ngàn những gốc cam thẳng tắp, đều đặn được gia đình anh dày công vun xới.
Anh Thiết cho biết: Có được cơ ngơi như bây giờ, anh bắt đầu khởi nghiệp từ 2,6 sào đất trồng cam. Khi bắt tay vào làm thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích lũy thêm kiến thức từ sách, báo; đồng thời anh được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức và được tham quan nhiều mô hình trồng cam có hiệu quả trong và ngoài tỉnh…
Nhờ sự kiên trì và chịu khó, đến nay anh Thiết đã mở rộng diện tích trồng cam đường canh lên tới 4ha. Năm 2019 vườn cam của gia đình anh cho thu 30 tấn, với giá bán tại vườn là 40.000 đồng/kg, dự kiến gia đình anh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập và đáp ứng với nhu cầu thị trường, gia đình anh còn trồng 2 mẫu cây giống, với giá bán hiện tại là 40.000đồng/cây, mỗi năm gia đình anh thu được trên 600 triệu đồng.
Chia sẻ về cách trồng cam canh cho năng suất cao, theo anh Thiết: Để cây cam canh cho hiệu quả kinh tế cao, ít bị rụng quả, người trồng nên tiện gốc của cây khi cây bắt đầu rụng hoa. Thời gian tiện tầm khoảng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Bên cạnh đó, mỗi tháng nên phun thuốc chống nhện đỏ, rệp một lần. Về mùa đông có thể phun thêm thuốc chống sương cho cây nhằm đảm bảo chất lượng quả. Bên cạnh đó, cần đảm bảo dinh dưỡng cho đất trồng bằng cách bón phân lân, tần suất bón từ 2 – 3 tháng/lần.
Vườn cam của anh trồng rất quy mô, hàng cách hàng, cây cách cây 2x2m, được tưới nước bằng hệ thống tưới tự động. Ngoài nước tưới và phân bón, theo kinh nghiệm cổ truyền, anh còn dùng phân gà ủ, đậu tương lên men để tưới cho cam, tăng độ ngọt cho trái.
Anh Thiết cho rằng: “Cây cam Canh có điểm đặc biệt là muốn cây có trái, phải biết được kỹ thuật “bắt” như xắn rễ, khoanh vỏ đúng thời điểm. Nếu không làm đúng, cây hầu như không ra trái”. Chính bởi vậy, anh đã học được kỹ thuật ép cây ra trái và dựa trên kỹ thuật cơ bản tìm ra cách xử lý cam ra trái vụ. Ngoài ép cây ra trái vụ, nghiên cứu kỹ về chế độ nước, phân bón, anh Thiết còn đang xử lý “ép” size trái cam, để đạt chuẩn 7 trái/kg, loại size phù hợp nhất với cam Canh, đảm bảo vỏ mỏng, ít hạt mà vẫn mọng nước.
Với diện tích đất khu vườn khá rộng, trang trại trồng cam canh của gia đình anh đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 150.000 đến 350.000đồng/người/ngày; và khi vào vụ cam gia đình anh thường xuyên thuê 18 lao động. Bên cạnh đó, gia đình anh còn thường xuyên phổ biến kỹ thuật trồng cam canh, bưởi diễn cho nhiều bà con trong vùng, tạo điều kiện tham quan mô hình cho nhiều hội viên nông dân.
Khởi nghiệp từ 2,6 sào vườn trồng cam đến nay anh Thiết đã mở rộng diện tích trồng cam đường canh lên tới 4ha. Năm 2019 vườn cam của gia đình anh cho thu 30 tấn, với giá bán tại vườn là 40.000 đồng/kg, dự kiến gia đình anh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập và phù hợp với nhu cầu thị trường, gia đình anh còn trồng 2 mẫu cây giống, với giá bán hiện tại là 40.000 đồng/cây, mỗi năm gia đình anh thu được trên 600 triệu đồng. |