Nông dân “khoái” làm nông nghiệp CNC
Thời gian gần đây, tại Củ Chi mọc lên một trang trại ớt CNC rộng 3ha. Bà Nguyễn Thị Kim Xuân - chủ trang trại cho biết, đã đầu tư 4 tỷ đồng cho trang trại này. Cây ớt trong trang trại được nuôi bằng một hệ thống ống tưới tiết kiệm, được điều khiển từ trung tâm điều hành tự động có thể định lượng hỗn hợp nước, phân phù hợp, cũng như khi nào cho cây uống nước và “ăn” phân bón. Kiến thức, công nghệ canh tác tại đây được bà Xuân làm theo mô hình của nông nghiệp Australia.
|
Nuôi tôm công nghệ cao tại Cần Giờ. Ảnh: T.Đ |
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ sinh học; chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các khu du lịch, tuyến điểm dừng chân…
|
Tại nông trại này, khách tham quan sẽ tận mục sở thị những trái ớt có màu sắc đỏ bóng láng, cay nồng, thơm hắc; húng quế thơm lừng, tươi rói; mướp hương thơm thoang thoảng, vỏ dày, sơ chế không ngả màu đen… Hiện mỗi tháng, bà Xuân xuất bán hàng tấn ớt cho hệ thống siêu thị Big C, Vinmart…
“Tôi ấp ủ làm nông nghiệp CNC nhiều năm trước rồi, nhưng thấy chưa phải thời điểm chín mùi. Tôi nghĩ, thời điểm này mới là tốt nhất, khi nhu cầu thị trường đòi hỏi được cung cấp nông sản sạch” - bà Xuân chia sẻ.
Nếu huyện Củ Chi là vựa hoa màu NNCNC của TP.HCM, thì huyện biển Cần Giờ đang hình thành vùng nuôi chim yến CNC. Xã Tam Thôn Hiệp giờ đã trở thành “thủ phủ” ngành nuôi chim yến lấy tổ và tổ yến được xem là sản phẩm chủ lực của xã. Nhiều người trước đây nuôi lợn, dê... cũng chuyển sang nuôi chim yến, mang lại thu nhập cao hơn.
Hiện tại xã có 159 hộ với 199 nhà nuôi chim yến, trong đó có 116 nhà yến cho thu hoạch sản lượng trung bình khoảng 650 - 720kg/tháng. Có 13 cơ sở sơ chế tổ yến với quy mô vừa và nhỏ, giải quyết hơn 150 lao động tại địa phương, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Anh Lê Văn Vân (ngụ xã Lý Nhơn) - người có 3 nhà nuôi chim yến chia sẻ, việc nuôi yến ở huyện Cần Giờ rất tiềm năng, nếu có quy hoạch cụ thể sẽ tạo điều kiện phát triển lâu dài và tiến tới có thương hiệu riêng cho yến Cần Giờ. Qua đó, người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo bà Nguyễn Thị Đẹp - Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, với định hướng ngành nông nghiệp sạch, kỹ thuật cao, nghề nuôi yến địa phương sẽ có mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ để đảm bảo bền vững. Song song đó, xã hỗ trợ vốn, hướng dẫn thủ tục cho nông dân triển khai xây dựng xưởng chế biến tổ yến, giảm xuất tổ yến thô để nâng cao giá trị sản phẩm. Xã cũng có nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ yến, như: nước, cháo, bánh...
Tập trung phát triển NNCNC
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2015 là xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Song song đó, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ NTM; đời sống vật chất và văn hóa người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; rút ngắn khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa nội thành và ngoại thành, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc. Xây dựng Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố.
Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện đang rất quan tâm phát triển tổ yến và đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch (nước, bánh, chè…) để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Sắp tới, tại xã Long Hòa sẽ có Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC lĩnh vực giống thủy sản với quy mô hơn 80ha. Thành phố sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước, chi phí xúc tiến thương mại, dịch vụ tư vấn… cho nhà đầu tư” - ông Triển thông tin.