Bảo vệ nguồn nước ngầm: Tối ưu việc khai thác và sử dụng
11:03 - 15/07/2019
Đề án bảo vệ nước ngầm ở các đô thị lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, triển khai giai đoạn 1 ở 9 đô thị là Hà Nội, TP.HCM, Buôn Ma Thuột, Hải Dương, Thái Nguyên, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quy Nhơn. Đến 13/3/2019, kết quả giai đoạn 1 đề án đã được Bộ TNMT phê duyệt.
Đối với nguồn nước dưới đất, cách bảo vệ tối ưu nhất vẫn là sử dụng và khai thác hợp lý.  Ảnh: I.T

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, kết quả của đề án này đã đánh giá lại toàn bộ thực trạng về tài nguyên nước dưới đất của 9 đô thị lớn; thực trạng khai thác, sử dụng và những tồn tại, các nguy cơ cũng như nguyên nhân gây ra các tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn, sụt lún nền đất. Từ kết quả đó, đánh giá được tài nguyên này hiện có bao nhiêu, đang khai thác như thế nào, những vấn đề gì bất cập và phải khai thác ra sao cho bền vững, ổn định lâu dài; đồng thời đưa ra các giải pháp bảo vệ nước dưới đất cho các đô thị lớn.
 

"Tôi tin rằng, với đề án mà chúng tôi điều chỉnh, tình trạng cạn kiệt nước ở các đô thị lớn sẽ không còn xảy ra”.

Ông Triệu Đức Huy

Theo ông Triệu Đức Huy, đề án cũng đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch lại các bãi giếng, sơ đồ khai thác hợp lý. Cùng với đó là lộ trình để chuyển đổi các khu vực hiện nay đang khai thác quá mức để giảm khai thác tiến tới dừng hẳn. Đối với những khu vực nguồn nước dưới đất dồi dào, có khả năng cung cấp để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội sẽ được đầu tư và phát triển các hành lang với mục tiêu đảm bảo cho việc khai thác nước dưới đất được bền vững. Khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp, công trình khai thác nước dưới đất.
 

Bên cạnh đó, kết quả đề án cũng khoanh định và đưa ra các giải pháp cụ thể với những khu vực nào có thể bổ sung nhân tạo, phục hồi các nguồn nước bị cạn kiệt, cải thiện chất lượng nước trong các tầng chứa nước. Chẳng hạn như phải quản lý ra sao để đưa nguồn nước xuống các tầng chứa nước và khai thác ngược trở lại phục vụ cho mùa khô…
 

Định hướng công tác sử dụng nước ngầm

Mặt khác, để giám sát việc khai thác cho an toàn, hợp lý đề án xây dựng hoàn thiện mạng quan trắc giám sát cả về trữ lượng và chất lượng nguồn nước này. Từ đó có những khuyến cáo cho nhà quản lý; định hướng cho công tác khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
 

Ông Huy cho hay, Hà Nội - một trong những đô thị có lưu lượng khai thác nước rất lớn với khoảng 1 triệu m3/ngày, việc khai thác với công suất vượt quá khả năng cung cấp của tầng chứa nước đã dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Do vậy, đề án đã tính toán, quy hoạch lại đảm bảo vẫn cung cấp được với lưu lượng, thậm chí, còn hơn so với nhu cầu thông qua việc đẩy các bãi giếng ra khu vực ven sông, khai thác bằng những công nghệ thấm lọc công suất rất lớn. Trong vài năm gần đây, thành phố cũng điều chỉnh lưu lượng của bãi giếng Hạ Đình; nhờ đó hiện nay, mực nước bãi giếng này đang dần phục hồi.
 

Một đô thị điển hình khác có khai thác nước dưới đất rất lớn là Thái Nguyên. Ở đây cũng có những tác động tiêu cực như cạn kiệt, ô nhiễm, sụt lún nền đất. Đáng chú ý, đây còn là đô thị có tính đặc trưng nằm trên các cấu trúc nền đá vôi, nước ngầm vận động nên nếu không có giải pháp khai thác nước dưới đất hợp lý sẽ gây ra tình trạng sụt lún.
 

Kết quả đề án đã đánh giá tương đối toàn diện những vùng có nguy cơ sụt lún, những vùng nào không thể khai thác được, những vùng nào vẫn có thể khai thác được và có giải pháp an toàn để khai thác nước dưới đất. Đồng thời, đề án đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý đối với đô thị Thái Nguyên.

 

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn