Biến đất đồi Trung Bộ thành “mỏ vàng” với chanh leo, cây dược liệu
Biến bất lợi thành lợi thế, giờ đây nhiều khu đất gò đồi hoang hóa ở các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã hình thành những mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
|
TS Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (bên phải) thăm mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Đỗ Tuấn |
Đất đồi cho thu tiền tỷ
Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: Giải pháp nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi các tỉnh miền Trung (do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 24-25/6/2019 tại Quảng Bình), anh Phan Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình cho biết, việc chuyển đổi diện tích cao su sang trồng cây dược liệu đã giúp gia đình anh và nhiều nông dân đổi đời.
Vùng gò đồi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nhiều thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, trồng các cây công nghiệp lâu năm, đã hình thành các khu chuyên canh cây công nghiệp như: Mía (Thanh Hóa), chè (Nghệ An), cao su (Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An), hồ tiêu, cà phê chè (Quảng Trị)... Theo số liệu thống kê năm 2018, tổng diện tích đất cây hàng năm là 1,03 triệu ha, đất trồng cây lâu năm là 172.050ha.
|
Bố Trạch từng được xem là vùng đất “vàng” của cây cao su, có thời điểm diện tích lên tới 11.100 trong tổng số 18.220ha diện tích cao su toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hai cơn bão “lịch sử” năm 2013, 2017, diện tích cao su của huyện giảm mạnh nên huyện Bố Trạch khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi sang một số cây trồng khác, trong đó có cây dược liệu.
Từ chủ trương này, năm 2015, trên diện tích cao su bị gãy đổ ở xã Phúc Trạch, gia đình anh Tiến trồng thử nghiệm khoảng 4ha cây cà gai leo theo hướng thâm canh. Quá trình trồng và thu hoạch cho thấy, cây cà gai leo cho hiệu quả kinh tế đạt khá, với sản lượng thu hoạch cây tươi khoảng 16 - 18 tấn/ha/2 vụ.
Đầu năm 2018, anh Tiến còn mạnh dạn góp vốn với bạn bè mua sắm máy móc để sản xuất trà túi lọc cà gai leo; đồng thời liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn trồng và thu mua nguyên liệu chế biến. Hiện, công suất chế biến của cơ sở đạt khoảng 300 hộp/ngày, với giá bán lẻ khoảng 70.000 đồng/hộp, doanh thu trung bình 70 - 80 triệu đồng/tháng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, nhiều diện tích đất gò đồi trên địa bàn đang được chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ, vùng gò đồi huyện Lệ Thủy và huyện Bố Trạch có độ phì tốt, độ dốc thấp, địa hình khuất gió bố trí trồng cây cao su; vùng dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, vùng gò đồi huyện Quảng Ninh, TP.Đông Hới, huyện Quảng Trạch đất đai cằn cỗi, độ dốc cao chuyển sang trồng thông Caribe; vùng đất dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và một số vùng đất thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch có tầng đất canh tác dày, có thể chủ động tưới nước bố trí trồng cây ăn quả các loại.
Tương tự, tại Quảng Trị, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đồi đang diễn ra mạnh mẽ. Ông Trần Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các mô hình chuyển đổi trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như mô hình trồng chanh leo trên cơ sở ký kết giữa Sở NNPTNT Quảng Trị và Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc với diện tích trồng thử nghiệm 12ha ở huyện Hướng Hóa. Công ty cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán chanh leo; cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo.
Đến nay, cây chanh leo phát triển tốt, đã cho thu hoạch vào tháng 4 - 5/2019. Dự kiến trong năm thứ nhất đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha, người trồng lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Sở NNPTNT đang tiếp tục phối hợp Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng thêm diện tích trồng chanh leo.
Sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vùng gò đồi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nhiều thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, trồng các cây công nghiệp lâu năm, đã hình thành các khu chuyên canh cây công nghiệp như: Mía (Thanh Hóa), chè (Nghệ An), cao su (Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An), hồ tiêu, cà phê chè (Quảng Trị)... Thống kê năm 2018, tổng diện tích đất cây hàng năm là 1,03 triệu ha, đất trồng cây lâu năm 172.050ha.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ nhìn chung quy mô còn nhỏ, manh mún, một số sản phẩm chủ lực như lúa gạo, rau mầu, cây ăn quả, cây công nghiệp... chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Từ thực tế đó, tại diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, các tỉnh miền Trung cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất các tổn hại do thiên tai gây ra; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trồng trọt, liên kết với HTX và nông dân, tạo chuỗi giá trị thực sự cho từng ngành hàng, trước hết là các ngành hàng chủ lực.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, các câu hỏi của nông dân tại diễn đàn, TS Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, vùng đất gò đồi các tỉnh miền Trung đang trở thành một lợi thế lớn để các địa phương phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Theo đó, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của từng vùng, địa phương như giống lúa cực ngắn, ngắn ngày tại các tỉnh Bắc Trung Bộ (nhằm giảm lượng nước sử dụng, đồng thời tránh được ngập lụt cuối vụ), mía ở Thanh Hóa, Nghệ An; tiêu ở Quảng Trị... nhằm thúc đẩy tăng trưởng giá trị hàng hóa bền vững, cần nghiên cứu, mở rộng diện tích những cây trồng mới như chanh leo ở Quảng Trị, cây dược liệu ở Quảng Bình, cây ăn quả trên vùng gò đồi Nghệ An...
“Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với hạn, mặn, sâu bệnh và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng chủ lực, có thế mạnh phát triển của vùng, địa phương, thúc đẩy tăng trưởng như: Cây lúa, mía, cao su, hồ tiêu, rau, quả…” – ông Khởi nhấn mạnh.