Trên một chuyến bay từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ra Hà Nội, một anh bạn ngồi cạnh cho tôi biết giá trị đặc biệt của cây dổi ăn hạt.
Anh đưa cho tôi xem một gói hạt dổi mà anh mang theo. Anh cho biết, hiện giá hạt dổi lên tới 2 triệu đồng/kg!
|
Tham quan mô hình trồng dổi của anh Bùi Văn Dạn |
Tôi hết sức ngạc nhiên. Anh nói, mình đã vào tận Đắk Lắk để lấy cây dổi ăn hạt và đem ra Bắc Giang trồng. Cây lên rất tốt. Lần này anh lại vào để bàn chuyện đưa cả nghìn cây dổi ra cho bà con trồng. Anh đánh giá: “Không có loài cây nào cho hiệu quả cao hơn cây dổi!”.
Tôi đem thông tin này đến hỏi nhiều chuyên gia về lâm nghiệp. Các anh ấy đều cho biết, hạt dổi rất quý. Đó là một loại gia vị mà bà con vùng núi phía Bắc dùng như hạt tiêu. Người Trung Quốc cũng rất thích sử dụng hạt dổi. Có lẽ vì thế mà hạt dổi có giá cao như vậy…
Mọi người còn cho tôi biết, nguồn gốc cây dổi đưa vào Tây Nguyên chính là từ Hòa Bình. Bà con ở Hòa Bình di cư vào Tây Nguyên đã đem theo giống cây dổi. Dổi được trồng ở Tây Nguyên, lại hợp đất nên phát triển rất tốt.
Tôi tìm tới Sở NN-PTNT Hòa Bình. Giám đốc Sở, Trần Văn Tiệp cho tôi biết, dổi là đối tượng mà Sở rất quan tâm và đã có những chương trình nghiên cứu riêng về cây dổi ăn hạt. Sở đã giao cho Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản của tỉnh tiến hành khảo nghiệm và tổ chức nhân nhanh giống dổi ăn quả…
Tôi tìm tới trung tâm này. Ở đây, họ đánh giá rất cao giá trị của cây dổi ăn quả. Trung tâm cũng đang tổ chức nhân nhanh giống dổi này bằng phương pháp ghép cành để cung cấp cho bà con. Họ còn cho biết, xuất xứ của giống dổi ăn quả này là từ vùng núi huyện Lạc Sơn. Tại đây còn có nhiều cây dổi ăn quả có tuổi đời tới hàng chục năm…
Tôi lần mò vào tận Lạc Sơn và gặp được anh Bùi Văn Dạn, một nông dân có vườn ươm giống cây dổi ăn hạt. Anh là người dân tộc Mường, tính tình rất chất phác và thật thà. Anh cho biết, ở xã Chí Đạo của anh hầu như nhà nào cũng có cây dổi ăn hạt. Có những cây đã được trồng từ đời ông, cha và để lại cho cháu, con. Anh đưa tôi tới thăm nhiều gia đình ở đây có trồng dổi và cả khu vườn mà anh đang ghép giống dổi ăn hạt cho bà con. Giá hạt dổi ở đây dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg hạt khô. Có những cây cho tới hàng chục kg hạt! Tôi thực sự bàng hoàng trước những thông tin này. Cả đời, tôi cố tìm tòi các ngành nghề cho thu nhập cao để giới thiệu cho bà con nông dân thế mà sao lại không nghĩ tới cây dổi ăn hạt! Thật là một thiếu sót.
Bình thường, dổi trồng sau 6-10 năm mới ra hoa, kết trái. Nhưng hiện nay, bằng phương pháp ghép nên giống dổi chỉ sau khi trồng 3 năm là đã cho quả. Những năm đầu, dổi có thể cho vài cân hạt mỗi cây. Nhưng càng về sau, cây càng sai quả. Có cây cho tới hàng yến hạt. Giá hạt dổi tươi hiện nay khoảng 650.000 – 750.000đ/kg, còn hạt khô thì phải 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Dổi ra hoa 2 vụ 1 năm: Vụ chính từ tháng 2 – 3 và chín vào tháng 9 – 10. Vụ phụ từ tháng 7 – 8 và chín vào tháng 3 – 4. Cứ 2-3 năm lại có 1 vụ thu nhiều. Ta có thể thu quả dổi bằng cách nhặt quả quanh gốc hoặc dùng sào chọc cho quả rụng xuống.
Tôi đã đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Thanh ở thôn Cao Thắng, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột. Đây có lẽ là cơ sở nhân giống cây dổi ăn hạt lớn hất cả nước. Anh đã làm được hàng chục vạn cây dổi ăn hạt và cung cấp cho nhiều nơi. Xung quanh nhà anh có rất nhiều gia đình đã trồng cây dổi ăn hạt. Các vườn dổi đang cho trái. Cây chỉ 4-5 tuổi mà đã cho quả chi chít trên cành. Những cây lớn hơn thì lượng quả càng nhiều.
Bà con cho biết, họ sẽ tiếp tục trồng thêm cây dổi ăn hạt. Chỉ có điều, họ cho rằng cây giống của anh Thanh quá đắt (100.000 đồng/cây) trong lúc ở các nơi khác chỉ 30.000 – 40.000 đồng/cây. Tôi cho rằng, đây là vấn đề chất lượng và sự thỏa thuận. Hy vọng, giữa người sản xuất giống và người mua giống sẽ có được những tiếng nói chung.
Bà con ở Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên nên quan tâm tới cây dổi. Mỗi nhà trồng thêm 5-10 cây dổi quanh nhà thì ít năm sau, đó sẽ là một nguồn thu không nhỏ. Nếu như có đất thì tại sao lại không trồng lấy 100 cây dổi ăn hạt!? Thế còn nếu quanh nhà là nương ngô, nương sắn thì nên trồng xen cây dổi ăn hạt vào. Chỉ sau 3-4 năm thì ngô, sắn chả có thể so sánh được với dổi, dổi sẽ cho ta thu gấp bội! Việc này đâu khó, nhà nào cũng làm được. Trồng dổi ăn hạt chắc chắn sẽ giàu! Dổi là cây đa tác dụng, nó giải quyết đồng thời cả 3 nhiệm vụ: kinh tế, môi trường và xã hội.
Theo tài liệu, dổi là cây thuộc chi dổi (michelia), họ Mộc lan (magnoliaceae). Có 2 loài dổi: Dổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) và dổi xanh (Michelia mediocris). Hạt của cây dổi xanh không ăn được vì nó đắng.
Dổi là cây đặc hữu của Việt Nam, được phân bố ở những vùng núi có độ cao từ 700-1.500m, chủ yếu từ vùng núi phía Bắc tới các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Dổi là cây gỗ lớn, có thể cao từ 25-35m; đường kính thân từ 0,25-0,5m; có cây còn có đường kính thân tới 1m. Nhu cầu về ánh sáng của dổi có thay đổi, lúc đầu là cây trung tính nhưng về sau là cây ưa sáng. Dổi luôn vươn lên, vượt tán mọi loại cây khác. Thân cây dổi tròn, ít phân cành, cây vươn thẳng; gỗ có mùi thơm, ít mối mọt, ít cong vênh nên thường được dùng để đóng đồ đạc, làm nhà. Gỗ dổi khá đắt, nó có giá từ 25-35 triệu đồng/m3.
|
Để bà con tiện liên hệ tham quan, học hỏi hoặc mua giống dổi ghép, chúng tôi xin cung cấp một số địa chỉ sau:
- Anh Bùi Văn Dạn, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ĐT: 0983.416.669.
- Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Hòa Bình, ĐT: 0912.581.234.
- Ông Hoàng Xuân Thanh, thôn Cao Thắng, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ĐT: 0943.375.494.
Tôi tin rằng, khi đã có cây dổi ăn hạt trong vườn thì bà con ta sẽ đổi đời.
|