Để khai thác tốt thị trường, giúp người trồng hoa sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, Trạm Khuyến nông TP Vinh (Nghệ An) đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa lan công nghiệp.
|
Sau 6 tháng trồng, cây lan đạt tỷ lệ sống 100% |
Đây là mô hình trồng mới nên khâu chọn địa điểm, chọn hộ dân tham gia trình diễn được chú trọng. Trạm Khuyến nông TP Vinh đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường tổ chức họp dân công khai, dân chủ để chọn ra hộ có kinh nghiệm, có tiềm năng về tài chính, nhiệt huyết trong công việc, dám đầu tư trồng thử nghiệm đối tượng mới.
Qua đó cuối năm 2018 đã thống nhất chọn hộ ông Nguyễn Kim Đồng, xóm 2, xã Nghi Ân tham gia thực hiện mô hình với quy mô 1.000 cây lan. Giống lan trồng trong mô hình là lan Monkara, gồm 3 màu: đỏ, vàng chanh, tím; giống được cắt từ thân chính của cây lan, chiều cao trung bình 60cm, có từ 5 rễ trở lên. Về phương pháp trồng: trồng trên luống hoặc trồng trong chậu nhựa có giá thể vỏ lạc.
Thời gian đầu triển khai mô hình, thời tiết có nhiều thay đổi thất thường, ít nhiều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lan. Tuy nhiên nhờ sự chăm sóc cần mẫn, sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông nên mô hình cho kết quả rất khả quan.
Sau 6 tháng trồng, tỷ lệ sống của cây đạt 100%; tổng thu nhập đạt được là 180 triệu đồng, trừ tất cả chi phí mua giống, phân vi sinh, công chăm sóc hết 117,3 triệu đồng, lãi ròng 62,7 triệu đồng.
Với kết quả đạt được ban đầu của mô hình cho thấy, cây lan Monkara trồng trên địa bàn TP Vinh là phù hợp. Cây được trồng trên luống có giá thể và trồng trong chậu đều sinh trưởng phát triển tốt. Đây là mô hình cho hiệu quả cao, kỹ thuật không quá khó, người nông dân dễ thực hiện và nhân rộng.