Thời gian vừa qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, nhờ đó mà bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ.
|
Chương trình OCOP đã giúp quảng bá các sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ảnh: Trần Hậu |
Qua đó, chương trình góp phần khai thác được các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế của các địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Thành quả bước đầu
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù OCOP là chương trình mới, nhưng không quá xa lạ, vì OCOP gắn liền với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trong khi Quảng Nam là tỉnh có nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng như: Tiêu Tiên Phước, tinh dầu sả, rượu lòn bon Tiên Phước, nước mắm Cửa Khe... Lợi thế đó đã giúp cho nhiều địa phương quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của tỉnh.
"Những kết quả bước đầu của chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình hiện nay là nền tảng vững chắc để chương trình OCOP sẽ có bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững, lâu dài không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở khắp các địa bàn trong tỉnh...”.
Ông Lê Muộn
|
Ngày 22.5.2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (chương trình OCOP Quảng Nam).
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh; phát triển 100 sản phẩm mới, phát triển 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch; có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia; củng cố, phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Đến năm 2030, có 500 sản phẩm OCOP...
Tổng vốn đầu tư cho chương trình (giai đoạn 2018-2020) là 579,073 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 146 tỷ, vốn huy động từ cộng đồng là 433,073 tỷ. Năm 2018 có 35 sản phẩm tham gia phương án thí điểm, được đánh giá, phân hạng cấp huyện và cấp tỉnh (mỗi huyện 1-3 sản phẩm).
Để OCOP đi vào thực chất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, Quảng Nam đang xây dựng bộ máy quản lý, điều hành chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chương trình và chủ thể tham gia. Áp dụng và triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, địa phương. Trong đó, tỉnh xác định khâu quan trọng là đăng ký ý tưởng sản phẩm để thúc đẩy tính sáng tạo từ người dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX…
Ông Muộn cho biết thêm, bằng nhiều cách làm sáng tạo, chương trình đã góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản và nâng cao thu nhập của người dân. Cấp huyện đã hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trước 25.12.2018. Sau khi hoàn thành việc đánh giá, phân hạng, 18 huyện, thị xã, thành phố đã nộp 30 sản phẩm mẫu và hồ sơ sản phẩm về tỉnh để tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.
Năm 2018, theo đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh Quảng Nam, được công nhận hạng 4 sao gồm 4 sản phẩm: Tiêu Tiên Phước, tinh dầu sả, rượu Lòn bon Tiên Phước, tinh dầu quế; 11 sản phẩm đạt 3 sao.
Tiếp tục triển khai sâu rộng
Ông Mai Đình Lợi – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam chia sẻ, mục tiêu của tỉnh trong năm 2019 phấn đấu có ít nhất 70 sản phẩm đạt chuẩn từ hạng 3 sao trở lên; có trên 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP...
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung chương trình OCOP thường niên. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; công tác thông tin - truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ liên quan nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện ở các cấp và cho chủ thể tham gia chương trình OCOP; tham quan học tập mô hình.
Ngoài ra, sẽ tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP để mở rộng, nâng cấp, phát triển sản phẩm. Xây dựng, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; trung tâm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Các hoạt động phát triển đối tác của chương trình OCOP...
Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện chương trình năm 2019 là 50 tỷ đồng.