Bất kể nắng, mưa vẫn sản xuất 1 triệu cây lan Hồ Điệp ra hoa vào Tết
Mỗi năm có thể sản xuất trên một triệu cây lan Hồ Điệp. Hoa ra đúng dịp Tết Nguyên đán mà không phụ thuộc vào thời tiết nóng, lạnh bất thường. Đó là một trong những thành công của Viện nghiên cứu Rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
|
Trồng hoa bằng công nghệ cao |
Trồng hoa bằng công nghệ cao
Ba khu nhà lưới của Viện nghiên cứu Rau quả nằm tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở trong là cả một rừng cây lan Hồ Điệp đang vươn những chồi nụ mập mạp chuẩn bị chờ đón Tết Nguyên đán sắp tới.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng của Viện cho biết: Khái niệm công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đưa vào Việt Nam từ khoảng 10 năm nay. Viện nghiên cứu Rau quả là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, nhưng do điều kiện kinh tế, trình độ có hạn nên phải làm dần dần từng bước.
Sở dĩ Viện chọn cây lan Hồ Điệp vì trên thế giới, loài hoa này luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 2007 – 2008, Viện xây dựng nhà sản xuất lan Hồ Điệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng nhà lưới, có thể điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm theo yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây ở từng giai đoạn để cây sinh trưởng phát triển tốt nhất mang lại năng suất cao, chất lượng tốt nhất. Do được ứng dụng công nghệ cao nên điều chỉnh được cây nở hoa theo mong muốn, hoa nở đồng loạt, không phụ thuộc vào thời tiết.
PGS Đặng Văn Đông cũng khẳng định tỷ lệ cây thành phẩm những năm trước đạt khoảng 80% thì năm nay nâng lên 95%, chất lượng và giá trị của cây cũng cao hơn nhiều so với năm trước. Theo thống kê, năm 2017 toàn miền Bắc đã xây dựng được 88.300m2 nhà màng hiện đại, sản xuất được gần 1.300.000 cành lan Hồ Điệp thương phẩm. Đáp ứng được hơn 50% nhu cầu hoa lan Hồ Điệp cho thị trường nội địa.
Những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2017, Viện cải tiến một bước nữa trong ứng dụng công nghệ cao trong phát triển hoa đó là xây dựng một xưởng sản xuất nuôi cấy mô tế bào. “Mô hình này ở Việt Nam đã có nhiều người làm từ lâu, tuy nhiên chủ yếu ở quy mô nhỏ dưới dạng thí nghiệm.
Còn sản xuất quy mô lớn thì ở miền Bắc hầu như chưa có cơ sở nào sản xuất lớn như một dạng hàng hóa với số lượng lên đến trên 1 triệu cây/năm” – PGS Đông khẳng định. Viện nghiên cứu Rau quả là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, trong đó có cải tiến một số những quy trình kỹ thuật để tiến đến ứng dụng công nghệ cao.
Làm giàu từ nông nghiệp
Chia sẻ về những thuận lợi khó khăn khi áp dụng mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, khi bắt tay vào làm, khó khăn rất lớn. Trong đó, khó khăn nhất là về vốn, thứ hai là nhân lực. “Viện ở gần Học viện Nông nghiệp nên có thể tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo, do nhiều nguyên nhân khác nên phần lớn sinh viên ra trường về Viện phải mất một thời gian đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc” – PGS Đông chia sẻ.
Ông cũng cho biết, thời gian tới, nhu cầu của Viện đối với nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Viện dự định sắp tới Viện sẽ đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa. Viện sẽ xây dựng một mạng lưới ở các tỉnh, mỗi tỉnh sẽ có một mô hình phù hợp với tình hình thực tế. “Thương mại làm được thì nông nghiệp cũng làm được.Lúc đó không lo được mùa mất giá”, PGS Đông hồ hởi.
Ông cũng cho biết, các nước khác đều có mô hình công nghệ cao cho nông nghiệp. Nhưng không thể bê nguyên bản về Việt Nam. Như thế sẽ dễ thất bại mà cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện canh tác, điều kiện con người.
“Chúng ta đang thiếu nhân lực cho nền nông nghiệp công nghệ chất lượng cao. Làm nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu. Học nông nghiệp không phải chỉ đi ra ngoài đồng, mà hoàn toàn làm công nghiệp nông nghiệp” – PGS Đặng Văn Đông nhắn nhủ.