(MTNT)- Đất là nguồn tài nguyên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất ngày càng nặng nề kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống con người và hệ sinh vật tự nhiên.
|
Quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp đang bị ô nhiễm nặng nề. |
Biểu hiện của ô nhiễm môi trường đất phổ biến nhất là đất bị khô cằn, có màu đỏ hoặc xám không đồng đều, xuất hiện các chất Xenobiotic, các hạt sỏi có lỗ hỏng hay các hạt màu trắng trong đất. Môi trường đất bị ô nhiễm có những biểu hiện không giống nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ.
Hiện Việt Nam có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 33 triệu ha. Trong đó có 68,83% tức khoảng hơn 22 triệu ha diện tích đất đang được sử dụng, còn lại hơn 10 triệu ha đất chưa sử dụng, chiếm khoảng 33,04% tổng diện tích đất. Diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp khoảng 7-8 triệu ha. Trong đó, có 3,3 triệu ha đất chưa được đưa vào sử dụng đang bị suy thoái, quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp cũng đang bị ô nhiễm nặng nề.
Tại Hà Nội, vấn đề ô nhiễm môi trường đất chủ yếu là do hàm lượng kim loại nặng cao từ các hoạt động sản xuất ở các làng nghề như: Làng nghề xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế và làng nghề dệt kim, bánh kẹo tại xã La Phù (huyện Hoài Đức), làng nghề dệt vải Hà Đông... Tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là do hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình ở Hóc Môn, bình quân một vụ rau được phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10 – 25 lần, lượng thuốc sử dụng đạt tới 100 – 150 lít/ha/năm.
Tại Thái Nguyên, các đơn vị trong quá trình khai thác khoáng sản đã thải ra một khối lượng lớn đất đá thải, làm suy giảm lớn diện tích đất canh tác. Các hoạt động khai thác khoáng sản tại đây đa phần đều sử dụng công nghệ lạc hậu và theo kiểu lộ thiên nên đất tại các khu vực khai khoáng Thái Nguyên đều bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trên địa bàn.
Tại Lâm Đồng, kết quả thu được qua quá trình quan trắc môi trường là đất ở đây vừa có tính acid vừa có tính kiềm, do bị ảnh hưởng nhiều bởi việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp. Thành phần cơ giới đất hầu hết là đất sét có tỉ lệ phần trăm khá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới mưa nhiều và tập trung, nên các quá trình khoáng hóa trong đất diễn ra rất mạnh khiến đặc điểm địa hình đồi núi chiếm ¾ lãnh thổ dễ bị rửa trôi, xói mòn, thoái hóa do nghèo chất hữu cơ và chất dinh dưỡng. Đất sau khi bị thoái hóa thì rất khó khôi phục quay trở lại trạng thái màu mỡ ban đầu.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đất trên thế giới cũng ngày càng trầm trọng. Đất suy thoái nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, xói mòn, rửa trôi, bạc màu,…
Tại Brazil, bang Minas Gerais bị vỡ đập gây ra hậu quả hơn 60 triệu m3 bùn đất chứa các chất thải độc hại từ sau quá trình khai thác quặng sắt bị tràn ra ngoài, nhấn chìm cả ngôi làng.
Tại Nhật Bản, hàng trăm km2 đất nông nghiệp, lâm nghiệp và làng mạc bị bỏ hoang do ảnh hưởng phóng xạ từ 3 lò phản ứng nguyên tử của nhà máy Fukushima. Đây là hậu quả ảnh hưởng từ thiên nhiên – thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3/2011.
Tại Trung Quốc, sau nhiều năm công nghiệp hóa tràn lan khiến ⅕ diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm.
Nguyên nhân của tình trạng trên có thể kể đến như: Chất thải rắn sinh học (bùn thải) là sản phẩm phụ thu được khi xử lý chất thải chứa nhiều chất gây ô nhiễm đất như kim loại nặng, thuốc trừ sâu,… chưa được kiểm soát gây ô nhiêm đất. Hóa chất trong nông nghiệp như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu sử dụng sai liều lượng có thể ngấm vào đất gây ô nhiễm, tạo độc tính cho con người, động vật.
Ô nhiễm đất do môi trường tự nhiên có thể kể đến là: Đất nhiễm mặn do lượng muối từ mỏ, nước biển thấm vào đất gây hạn sinh lý cho thảm thực vật; đất nhiễm phèn do nước phèn ngấm vào đất gây hại cho sinh vật sống.
Ô nhiễm môi trường đất để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng như: Ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người do chất gây ô nhiễm đất bốc hơi khiến con người hít phải. Sau đó, chất độc hại sẽ thấm qua đất và len lỏi vào mạch nước ngầm. Tùy thuộc vào các chất gây ô nhiễm đất mà gây nguy hại cho con người như: Ung thư do thường xuyên tiếp xúc với crom, chì, xăng dầu; gây ra các bệnh rối loạn bẩm sinh; bệnh mãn tính; tiếp xúc lâu ngày với Benzene gây bệnh bạch cầu; Cyclodienes và thủy ngân là thủ phạm khiến thận bị tổn thương; PCBs và Cyclodienes gây nhiễm độc gan; Carbomates và Organophosphates gây tắc nghẽn thần kinh; một số loại chất độc khác gây buồn nôn, mệt mỏi, phát ban,… thậm chí là tử vong.
Đất ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái, chúng gây hại đến sự chuyển hóa của các động vật chân đốt và vi sinh vật đặc hữu. Đây có thể làm chuỗi thức ăn chính bị mất, ảnh hưởng đến động vật ăn thịt và cả con người. Thậm chí, các chất tác động lên dạng sống thấp hơn thì đáy chuỗi thức ăn sẽ phải ăn các chất ngoại lai. Ngoài ra, ô nhiễm đất gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thực vật, giảm năng suất cây trồng và khiến đất thoái hóa, cằn cỗi hơn.
Ô nhiễm đất còn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm qua cơ chế thẩm thấu. Các chất độc hại trong đất có thể ngấm vào nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Điều này ảnh hưởng lớn tới con người vì nguồn nước ngầm sẽ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Đất ô nhiễm, thoái hóa tác động xấu đến ngành sản xuất nông nghiệp do đất cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng khiến cây chậm lớn, chất lượng giảm, mùa màng thất bát. Ngoài ra, phần lớp mặt đất bị thay đổi, dễ bị xói mòn khi mưa lớn, dễ bị nấm gây hại.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, cần giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thay vào đó có thể sử dụng phân sinh học, phân hữu cơ để thay thế cho phân bón hóa học. Ngoài ra, sử dụng các loài thiên địch thay thế thuốc trừ sâu, bảo vệ mùa màng tự nhiên, hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần phục hồi rừng bằng cách: Trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc, chống cháy rừng,… nhằm giữ cho đất không bị xói mòn, rửa trôi và giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng cho thực vật.
Cần xử lý các chất thải rắn từ sinh hoạt, các hoạt động công – nông nghiệp làm gia tăng mức độ độc hại trong lòng đất, thay đổi độ pH của chúng trước khi tiến hành chôn lấp hoặc xử lý theo nhiều cách khác nhau. Có thể sử dụng hóa chất hoặc enzyme để kiểm soát và xử lý rác thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đất; tiến hành phân loại và tái sử dụng những loại vật liệu như: Thủy tinh, túi vải,... để giảm thiểu lượng chất thải rắn ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó cần sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm nhằm giảm lượng rác thải rắn, giảm tài nguyên bằng cách xử dụng hợp lý các nguồn xăng, dầu,… để bảo vệ đất khỏi nguy cơ ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng túi nilon vì các loại túi này rất khó phân hủy, thậm chí có thể lên tới hàng chục năm khi ở trong lòng đất. Chúng còn gây cản trở quá trình phát triển cây xanh, giảm hô hấp của các sinh vật trong đất, do vậy những vùng đất nào chứa túi nilon gần như rơi vào tình trạng “chết”. Do vậy nên bảo vệ môi trường đất bằng cách dùng túi hữu cơ thay thế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp.