Đồng Nai đẩy mạnh khai thác du lịch nông nghiệp
16:27 - 02/02/2021
Kết hợp trồng cây ăn quả và du lịch sinh thái đang được các nhà vườn, doanh nghiệp du lịch khai thác, thu nhập cao hơn nhiều lần trồng cây ăn trái đơn thuần.

Đón chờ mùa du lịch xuân Tân Sửu

Những ngày này, các đơn vị, doanh nghiệp, chủ nhà vườn cây ăn trái tại TP Long Khánh (Đồng Nai) đang khẩn trương chăm sóc vườn cây trái để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn cho du khách thưởng thức vào mùa du lịch miệt vườn xuân Tân Sửu. Các nhà vườn trên địa bàn TP Long Khánh đã chủ động mở rộng liên kết với nhau nhằm đa dạng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu cho du lịch Long Khánh.

Nhiều nhà vườn ở Long Khánh mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để hồi sinh mô hình du lịch vườn, chờ đón du khách mùa du lịch xuân Tân Sửu. Ảnh: MS.

Nhiều nhà vườn ở Long Khánh mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để hồi sinh mô hình du lịch vườn, chờ đón du khách mùa du lịch xuân Tân Sửu. Ảnh: MS.

Nhiều chủ vườn sinh thái như  Ngô Ánh (khu kinh tế, ấp Tân Phong, xã Hàng Gòn, TP Long Khánh), hay ông Lê Công Tiến, chủ vườn sinh thái Đồi Xanh, ông Trương Đình Khánh, chủ vườn sinh thái Đồi hoa vàng… (TP Long Khánh) còn tự tin mạnh dạn đầu tư thêm cả tỉ đồng để hồi sinh mô hình du lịch nhà vườn, chờ đón du khách vào mùa trái cây sắp tới, nhất là phục vụ nhu cầu du xuân tết Tân Sửu. 

Anh Lâm Phi Hùng, Tổ phó Tổ hợp tác (THT) Du lịch xã Bình Lộc (TP Long Khánh) chia sẻ: Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên lượng khách du lịch bị giảm khoảng 1/3 so với những năm trước. Tuy nhiên, các nhà vườn vẫn ráng duy trì các dịch vụ tiếp đón du khách đến tham quan lai rai trong mùa trái cây rộ vừa qua.

Theo anh Hùng, THT Du lịch Bình Lộc có 15 thành viên chính thức và liên kết với khoảng 100 nhà vườn trong xã. Những năm qua, Bình Lộc đã sớm triển khai nhiều mô hình điểm về liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch của tỉnh Ðồng Nai.

Mùa du lịch sinh thái nhà vườn ở địa phương thường bắt đầu khi bước vào mùa thu hoạch trái cây từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Những năm trước, vào mùa trái cây chín rộ, mỗi nhà vườn trong THT Du lịch Bình Lộc trung bình đón tiếp khoảng 500 khách/ngày, thậm chí có vườn đón cả ngàn khách. Tuy nhiên năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng khách bị giảm đáng kể, thậm chí có vườn phải tạm đóng cửa. 

Các nhà vườn đang tích cực củng cố lại vườn cây nhằm thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Long.

Các nhà vườn đang tích cực củng cố lại vườn cây nhằm thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Long.

Để củng cố lại vườn cây nhằm thu hút khách du lịch trở lại sau dịch Covid-19, bà Lê Thị Mỹ Lệ, chủ vườn trái cây Mỹ Lệ rộng khoảng 2 ha tại ấp Cây Da (xã Bình Lộc) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều tiểu cảnh, giàn hoa leo, chanh dây, chòi lá, dịch vụ ăn uống, chỗ nghỉ chân trong vườn cây của gia đình để chờ đón du khách khi mùa thu hoạch trái cây sắp tới.

Bà Lệ cho biết: Gia đình bắt đầu triển khai mô hình kinh doanh du lịch miệt vườn được vài năm nay. Lúc đầu, chỉ làm đơn lẻ, nhưng để thu hút khách, bà đã mở rộng liên kết với những vườn kế bên để tạo sự phong phú, nhiều loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… phục vụ du khách tới thưởng thức.

Tương tự, ông Lê Hồng Chánh, chủ nhà vườn sinh thái ở khu phố Phú Mỹ, phường Xuân Lập (TP Long Khánh) hiện cũng đang khẩn trương củng cố lại vườn cây trái để sẵn sàng đón khách du lịch hậu dịch Covid-19 và chào đón mùa du lịch xuân Tân Sửu 2021.

Gia đình ông Chánh đã tham gia làm du lịch vườn sinh thái được 2 mùa trái cây, nếu không bị ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập từ du lịch mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với thu hoạch trái cây bán cho thương lái.

"Từ khi du lịch phát triển, người dân chúng tôi đã thay đổi tư duy canh tác cũng như học hỏi cách thức phục vụ khách du lịch. Do đó, việc ứng xử cũng như ý thức tự bảo vệ môi trường trong lành của các hộ dân đã tăng lên rõ rệt. Các vườn cây luôn sạch sẽ, được chăm sóc kỹ, bảo đảm vệ sinh môi trường”, ông Chánh bày tỏ.

Theo ông Chánh, nếu sản xuất nông nghiệp thuần túy, mỗi ha vườn cây ăn trái chỉ thu được khoảng 60 triệu đồng/năm, nhưng khi kết hợp làm du lịch vườn sinh thái đã giúp tăng thu nhập lên khoảng 130 triệu đồng/ha/năm. 

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn khá tốt. Đường liên xã, liên ấp, liên tổ, đường ra rẫy, ra đồng được thảm nhựa, bê tông giúp cho việc đi lại dễ dàng.

Đây cũng là lợi thế để các nhà vườn liên kết với nhau. Nhất là khi tới đây các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành được xây dựng đưa vào khai thác, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của người dân về Đồng Nai càng giúp cho phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái miệt vườn.



Gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch

Đồng Nai có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch sinh thái khi có những vườn cây ăn trái chuyên canh với diện tích từ 0,5 - 5 ha/hộ. Việc đầu tư khai thác du lịch miệt vườn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ phát triển canh tác thuần túy.

Những con đường sạch đẹp từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm điều kiện phát triển du lịch sinh thái nhà vườn. Ảnh: MS.

Những con đường sạch đẹp từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm điều kiện phát triển du lịch sinh thái nhà vườn. Ảnh: MS.

Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Long Khánh cho biết: Chính từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Hơn nữa, sau dịch Covid-19, thành phố đang rất quan tâm và tạo điều kiện để các nhà vườn, doanh nghiệp khôi phục phát triển du lịch sinh thái vườn hay du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Hoàng, trong thời gian tới, du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển để nâng cao đời sống cho người dân.

Trước đây, khi vào vụ thu hoạch trái cây, trên địa bàn chỉ có vài hộ tự phát tổ chức đón khách du lịch tham quan thưởng thức. Tuy nhiên đến nay, đã có hơn 200 hộ tích cực đăng ký làm du lịch sinh thái, với hàng trăm ha vườn trồng xen canh các loại cây ăn trái. Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết du lịch sinh thái vườn và có các tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn cây để cùng thúc đẩy phong trào phát triển.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết: Ngoài phục vụ trái cây tại vườn, các điểm du lịch sinh thái vườn còn phục vụ thêm các dịch vụ vui chơi, ẩm thực nên có thời điểm thu hút rất đông du khách. 

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều tiểu cảnh, giàn hoa leo, chanh dây, chòi lá... để chờ đón du khách khi mùa thu hoạch trái cây sắp tới. Ảnh: MS. 

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều tiểu cảnh, giàn hoa leo, chanh dây, chòi lá... để chờ đón du khách khi mùa thu hoạch trái cây sắp tới. Ảnh: MS.

Theo ông Thắng, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các cuộc thi nhà vườn kiểu mẫu, lễ hội trái cây để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Không chỉ TP Long Khánh, những năm gần đây, một số địa phương khác như Tân Phú, Ðịnh Quán, Cẩm Mỹ… nông dân đang chủ động gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch.

 Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cũng khẳng định, huyện sẽ chú ý phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ và vườn để tăng doanh thu, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Khai trương vườn du lịch trải nghiệm cây ca cao

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ca cao xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vừa ra mắt Vườn du lịch trải nghiệm về cây ca cao.

Thành lập ngày 26/6/2020, HTX Ca cao Suối Cát gồm 22 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 21,2 ha ca cao. Với quy trình sản xuất sạch hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều năm qua, sản phẩm quả ca cao của HTX được nhiều công ty thu mua đánh giá cao về năng suất và chất lượng.

Hiện nay, HTX đã trang bị thêm hệ thống máy móc trong các khâu ủ, tách hạt, chế biến thành các sản phẩm như bột ca cao và cac ao dạng viên nén. Đồng thời, xây dựng một số hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm".


MINH SÁNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn