Ô nhiễm môi trường biển từ rác thải
08:47 - 26/04/2021
(MTNT)- Việt Nam là một trong năm quốc gia có chỉ số ô nhiễm rác thải biển (marine debris) cao nhất thế giới, đặc biệt là rác thải nhựa. Chỉ tính riêng lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta đã khoảng 14,03 triệu tấn/năm (38.500 tấn/ngày).
Việt Nam có khối lượng rác thải nhựa xả ra biển từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.


Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50-80% lượng rác thải biển. Việt Nam có khối lượng rác thải nhựa xả ra biển từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Hầu hết nhựa đều nổi trong nước nên một lượng lớn mảnh vụn nhựa tích tụ trên mặt biển và được sóng hoặc dòng chảy đẩy vào ven bờ.
 
 
Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác). Mặt khác, trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra từ các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020 khoảng hơn 206.000 tấn, trong đó gần 40% xả ra biển. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như: Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm..., đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng. Đáng lo ngại, chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và gây những tác động đến hệ sinh thái biển khác...
 
 
Theo báo cáo khảo sát, đánh giá về số lượng và khối lượng rác thải trên các bãi biển do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (Greenhub) phối hợp với Ban quản lý của 10 Khu bảo tồn biển (KBTB), Vườn quốc gia (VQG) có biển, bao gồm: VQG Bái Tử Long, KBTB Bạch Long Vỹ, VQG Cát Bà, KBTB Cồn Cỏ, KBTB Cù Lao Chàm, KBTB Lý Sơn, KBTB Vịnh Nha Trang, VQG Núi Chúa, KBTB Hòn Cau, VQG Côn Đảo tiến hành cho thấy, số lượng và khối lượng rác tại các bãi biển ở Việt Nam tương đối cao (trung bình 7.374 mảnh/100 m) và 94,58 (kg/100m). Thành phần rác thải thu tại các bãi thì rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác, chiếm 92,2% về số lượng và 64,8% về khối lượng.
 
 
Trong thành phần rác thải nhựa, các loại rác nhựa có nguồn gốc liên quan đến hoạt động thủy sản (nuôi trồng, khai thác, buôn bán…) chiếm tỷ lệ vượt trội (47% về số lượng, 46% về khối lượng), tiếp theo là các sản phẩm sử dụng một lần (22% số lượng, 26% khối lượng) và các sản phẩm từ sinh hoạt khác (24% số lượng, 22% khối lượng). Cụ thể: Loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi ny lông. Các loại rác còn lại bao gồm: Kim loại, thủy tinh, cao su, gỗ, giấy, vải và rác hỗn hợp có số lượng ít nhưng có khối lượng lớn (chiếm 1,6% về số lượng nhưng lên đến 10,4% về khối lượng).
 
 
Bước đầu khảo sát nhận định nguồn gốc rác thải nhựa tại các đảo, vùng ven bờ ít có hoạt động du lịch và xa khu dân cư như: Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Cát Bà, Bái Tử Long, Quảng Trị và Hòn Cau chủ yếu đến từ nguồn ngoài biển trôi dạt vào; các bãi nằm trên đất liền, gần khu dân cư hoặc địa điểm tập trung khách du lịch tại: Nha Trang, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Núi Chúa có nguồn gốc cả từ sinh hoạt, du lịch và trôi dạt từ biển.
 
 
Ô nhiễm môi trường biển từ rác thải chẳng những làm mất vẻ đẹp của cảnh quan biển và trên bờ mà còn làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo, đồng thời làm nghèo kiệt các loài sinh vật. Hơn thế các chất ô nhiễm đó lại được các loài cá tôm ăn vào, mang trong mình mầm bệnh, rồi con người ăn phải, dẫn đến nguy cơ mắc phải nhiều bệnh, thậm chí bệnh ung thư.
 
 
Có thể thấy, vấn đề bảo vệ môi trường biển đang trở thành thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nơi trên toàn cầu. Nếu không có hướng xử lý triệt để thì chúng sẽ gây hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Để khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường, Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QÐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, sẽ giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông. Ðến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy…
 
 
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó tập trung hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chuẩn quốc gia phục vụ rác thải nhựa đại dương; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường; duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương.
 
 
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường biển cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là chính quyền các địa phương có biển cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng cư dân ven biển ít nhất 2 lần/năm. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn...
 
 
Ðể thực hiện thành công Kế hoạch này, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương, còn cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển…
 
 
Hiện một số địa phương đã tổ chức tốt các chương trình huy động các chiến dịch như: “Hãy làm sạch biển” của tỉnh Quảng Ninh, “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” ở Nghệ An. Mỗi năm, Thanh Hóa cũng đều phát động Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển”... Ngoài ra, cũng có nhiều tổ chức đứng ra thực hiện các dự án với cùng mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường biển, những chương trình hoạt động nói trên cần phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ để tạo hiệu ứng lan tỏa lâu dài, giúp người dân có sự thay đổi nhận thức sâu sắc và lựa chọn hành động đúng.
 
 
Kiểm soát môi trường biển là một trong những phương pháp để bảo vệ môi trường biển hiệu quả nhất. Cần có những hoạt động tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác trên biển; nghiêm cấm những hành vi sử dụng chất nổ, kích điện hay hóa chất độc hại. Những hoạt động này sẽ khiến thủy hải sản bị chết hàng loạt khiến một số loài có khả năng bị tuyệt chủng. Đồng thời, có các quy định xử phạt mang tính răn đe với những trường hợp cố tình vi phạm; quy hoạch rõ ràng các khu đánh bắt hải sản nhằm tránh thủy hải sản khai thác tràn lan, khó quản lý, gây cạn nguồn tài nguyên.
Hoàng Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn