Thái Nguyên: Một ông nông dân trúng lớn khi liều đào ao thả nuôi loài ốc đặc sản bò lừ đừ chỉ ăn bèo, cỏ
10:00 - 23/10/2020
Năm 2020, anh Lường Văn Dũng, xóm Suối Bén, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) nuôi 15 vạn ốc nhồi giống. Đến thời điểm này anh đang thu hoạch ốc nhồi thịt với sản lượng dự ước đạt 3 tấn, thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. 

Gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung nuôi ốc nhồi thương phẩm, bước đầu mang lại thu nhập cao. Hơn nữa, hầu hết mô hình nuôi ốc nhồi đều tận dụng diện tích ao nuôi cá kém hiệu quả, ruộng trũng khó canh tác lúa và hoa màu...
 

Năm 2011, anh Lường Văn Dũng, xóm Suối Bén, xã Yên Ninh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đào ao rộng hơn 800m2 để nuôi cá trắm, cá chép, trôi, mè, rô phi. Tuy nhiên, ao nuôi cá không có nguồn nước vào, ra liên tục, cộng thêm chưa nắm rõ các loại bệnh của cá nên nhiều lứa cá chậm lớn hoặc bị bệnh chết. 

Gia đình anh Lương Văn Thống, xóm Nục Thành, xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) nuôi ốc nhồi trên diện tích 500m2 mặt nước. Dự ước năm 2020, anh thu được trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí nhờ nuôi loài ốc đặc sản này


Sau khi tìm hiểu một số mô hình nuôi ốc nhồi hiệu quả và được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năm 2017, anh Dũng chuyển đổi 800m2 ao sang nuôi 500 con ốc nhồi trưởng thành. Ngay năm đầu tiên, ngoài việc bán giống và giữ lại 5.000 con ốc trưởng thành làm giống, anh Dũng bán được gần 2 tạ ốc nhồi thịt thương phẩm, thu lãi hơn 20 triệu đồng. 
 

Cứ như vậy, anh Dũng tự gây giống, nhân đàn ốc và năm 2019 đào thêm 1 ao mới có diện tích hơn 1.000m2. Năm 2020, anh nuôi 15 vạn ốc nhồi giống, đến thời điểm này đang thu hoạch ốc nhồi đặc sản với sản lượng dự ước đạt 3 tấn, thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
 

Không chỉ có anh Lường Văn Dũng, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nuôi ốc nhồi thịt thương phẩm như gia đình anh Trần Bạo, xóm Hoàng Mai 2, xã Tân Khánh (huyện Phú Bình) nuôi ốc trên diện tích 7.000m2, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; gia đình anh Ma Đình Mau, xóm Tân Thành, xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai) nuôi ốc nhồi đặc sản trên diện tích 300m2 cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Tìm hiểu thực tế tại các mô hình nuôi ốc nhồi đặc sản chúng tôi nhận thấy, người dân đều tận dụng diện tích ao nuôi cá kém hiệu quả hoặc ruộng, đất trũng nhiều nước khó canh tác lúa, hoa màu để nuôi ốc nhồi. 
 

Ông Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Toàn xã có 40 hộ nuôi ốc nhồi với quy mô trung bình từ 200m2 đến 500m2 mặt nước. Đặc biệt, những hộ dân sinh sống ở trên núi cao như xóm Lũng Hoài, Lũng Luông... cũng tận dụng nguồn nước từ khe núi, đắp một vùng đất trũng để nuôi ốc nhồi, mang lại thu nhập cao. Thượng Nung là xã đặc biệt khó khăn nên nuôi ốc nhồi là có thể coi đây là một trong những hướng thoát nghèo của người dân.
 

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của người dân, ốc nhồi chỉ ăn các phụ phẩm nông nghiệp thừa, hỏng như bí xanh, bí đỏ thối, lá dáy, khoai lang, bèo... nên không tốn chi phí thức ăn. Người dân cũng chỉ phải mua ốc nhồi giống trong lần nuôi đầu tiên, sau đó tự nhân giống nên không mất chi phí giống. 

Anh Ma Đình Mau chia sẻ: Gia đình tôi chỉ phải bỏ ra 10 triệu đồng mua 50kg ốc nhồi giống là được khoảng 15 nghìn con. Sau hơn 3 tháng, gia đình tôi đã bán được 20kg trứng ốc nhồi với giá 500 nghìn đồng/kg, thu được 10 triệu đồng tiền vốn ban đầu. Nhà tôi trồng nhiều lá dáy, dây lang, đu đủ nên không mất tiền mua thức ăn cho ốc nhồi. Dự tính năm 2020, gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng từ việc nuôi ốc nhồi.
 

Ốc nhồi đặc sản là loài động vật sống trong môi trường tự nhiên, có sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh. Để chăn nuôi hiệu quả, người dân chỉ cần thay nước định kỳ cho ao, thả bèo chiếm ¼ đến ½ diện tích mặt ao nuôi ốc nhồi.
 

Có thể nhận thấy, việc nuôi ốc nhồi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt là người dân miền núi của tỉnh Thái Nguyên còn có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, việc nhân rộng những mô hình nuôi ốc nhồi là rất khả thi, phù hợp với những diện tích ao nuôi cá kém hiệu quả và ruộng, đất trũng chủ động được nguồn nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tận dụng được phế phẩm nông nghiệp.

 
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn