Lan tỏa “lối sống xanh” để bảo vệ môi trường
15:08 - 12/10/2020
(MTNT) – Hiện nay, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon đang ngày càng trở thành những vật dụng vô cùng phổ biến, thậm chí rất quen thuộc và cũng xuất hiện thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của con người.

Chỉ tính riêng tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nilon

 
Các sản phẩm từ nhựa được biết tới là một trong những nguyên liệu đang được sử dụng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Thực tế cho thấy, tại hầu hết các cửa hàng, quán ăn, chợ "cóc" hay siêu thị... tất cả đều đang sử dụng các loại đồ nhựa khác nhau và thường được dùng để bao gói sản phẩm nhằm phục vụ khách hàng.
 

Bên cạnh đó, cũng không khó để chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những món đồ được sản xuất từ nhựa như: Chai lọ nhựa, bát nhựa, ống hút nhựa, túi nilon, các chất dẻo tổng hợp… Các sản phẩm làm từ nhựa với thuộc tính như sự tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt có mức giá thành rẻ đã thu hút và được rất nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

 
Mặc dù sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại những tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày; thế nhưng, nó cũng đang là tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người, tới môi trường sống và cả các sinh vật biển.
 

Rác thải nhựa chính là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE, bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng. Rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, với đặc tính bền vững tự nhiên, rác thải nhựa rất khó để phân hủy được nhanh chóng. Ước tính thời gian cần thiết để chúng phân hủy được phải tính bằng hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm. 

 
Ai cũng biết rằng rác thải nhựa mang đến nhiều nguy hiểm, thậm chí đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường nguy hại. Nó làm nhức nhối, bức xúc trong xã hội, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân tại hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

 
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy: Mỗi năm, thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và có tới 40% số lượng nhựa tuy đã sản xuất ra mà không được sử dụng đến.

 
Ước tính hiện nay sản lượng nhựa trên thế giới đã tăng lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế; 12% bị đốt bỏ; còn lại có tới 79% rác thải nhựa vẫn đang xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra ngoài môi trường. Và chính những thứ rác thải nhựa đang xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp đó đã gây ra rất nhiều nguy hại cho cuộc sống.

 
Có thể thấy, tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa của con người đang tăng lên không ngừng. Vì thế, nếu như chúng ta không có các biện pháp hữu hiệu để xử lý kịp thời thì chẳng bao lâu nữa môi trường sống của con người sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa. Đáng lo hơn khi rác thải nhựa không chỉ trôi nổi trên mặt nước mà còn nằm rất nhiều ở dưới đáy các đại dương.

 

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ước tính có khoảng hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. Trong đó, hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, thậm chí có cả những sinh vật to lớn như là cá voi.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng rác thải nhựa khi bị thải ra ngoài môi trường hoặc đem chôn lấp thì theo thời gian, chúng sẽ dần dần phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau. 

 
Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường nước, đất, không khí… hoặc khiến cho các loài sinh vật ăn phải. Tiếp đó, con người một khi lỡ ăn phải các loại sinh vật này sẽ lại vô tình đưa các hạt vi nhựa vào cơ thể mình một cách gián tiếp, gây đe dọa và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
 

Mặt khác, khá nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng nên trong quá trình sử dụng, chúng sẽ sản sinh ra BPA- là một chất độc hại. Từ đó, có thể gây ra các bệnh lý hết sức nguy hiểm ở người như: Vô sinh, tiểu đường, ung thư… 

 
Còn đối với những rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, suy giảm khả năng miễn dịch… ở cơ thể người. Ngoài ra, trong một số loại túi nilon còn có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất nên khi đốt cháy, lại gặp phải hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dễ gây ra tình trạng mưa axit rất nguy hiểm…

 
Riêng tại Việt Nam, thống kê mỗi năm bình quân cũng đang thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn nhựa, với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Theo đó, chỉ tính riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày cũng đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nilon.

 
Cụ thể: Hà Nội thải ra từ 4.000- 5.000 tấn rác/ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7- 8%; tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có khoảng 5- 9 triệu túi nilon từ các hộ dân bị vứt bỏ ra môi trường mỗi ngày.
 

Như vậy cũng đồng nghĩa với việc từ 9 triệu túi nilon bị thải ra môi trường mỗi ngày, chúng ta đã tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ đồng; khoảng 54 tỷ đồng/tháng và 648 tỷ đồng/năm. Đó không chỉ là những con số gây tổn hại về kinh tế, rác thải nhựa còn đang gây nên những tổn hại về môi trường. Đồng thời, con người cũng sẽ phải trả những cái giá rất đắt; thậm chí, hệ lụy của nó còn có thể kéo dài tới nhiều thế hệ con cháu của chúng ta sau này.

 
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…; đặc biệt là tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa, hay còn gọi là vấn nạn “ô nhiễm trắng”. Trước tình hình lượng rác thải nhựa vẫn đang ngày càng gia tăng, nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

 
Nhận thức rõ vấn đề này, đồng thời để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi cả xã hội và cộng đồng cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm trắng.

 
Đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” được đông đảo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội triển khai một cách rộng rãi đã có sức lan tỏa, kêu gọi, vận động từng người dân tích cực quan tâm và hưởng ứng. Theo đó, mỗi người dân hãy bằng những hành động thiết thực, thay đổi ngay từ trong hành vi và thói quen để tiến tới hạn chế dần việc sử dụng túi nilon hay những sản phẩm nhựa khó phân hủy để bảo vệ môi trường.

 
Bên cạnh đó, có nhiều Bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sau khi tham gia ký cam kết chống rác thải nhựa còn đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng nhằm chung tay đóng góp thiết thực, ý nghĩa trong việc giải quyết những thách thức về rác thải nhựa. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường sống xanh cho các thế hệ tương lai của Việt Nam.

 
Thông qua việc phát động và lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh trong cộng đồng, đã xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường, hoặc có khả năng tái sử dụng nhiều lần để thay thế cho các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy. Tiêu biểu như: Khuyến khích người dân dùng túi vải, làn nhựa để đựng đồ thay vì sử dụng túi nilon; thay thế ống hút nhựa bằng các loại ống hút làm từ tre, cây cỏ bàng, thuỷ tinh, inox; sử dụng lá chuối để gói, bọc thực phẩm thay vì bao bì nilon; dùng các loại túi đựng được sản xuất từ bột ngô hoặc hộp đựng thực phẩm từ bã mía để có thể tự phân huỷ sinh học an toàn nhằm thay thế cho hộp xốp độc hại…

 
Ủng hộ và hưởng ứng xu thế này, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện việc không sử dụng nước uống đóng chai, lọ nhựa trong các cuộc họp mà chuyển sang thay thế bằng các chai, lọ thuỷ tinh hoặc inox để có thể tái sử dụng được nhiều lần.
 

Đáng chú ý, tại nhiều địa phương trong cả nước đã thường xuyên tổ chức phát động phong trào ngày hội tái chế rác thải; vận động người dân đem rác thải nhựa tới để đổi lấy những sản phẩm làm từ sinh học hoặc tặng cây xanh. Thông qua những việc làm cụ thể đó để giúp truyền tải một cách tích cực các thông điệp ý nghĩa bảo vệ môi trường, tạo nhiều hiệu ứng tốt và có sức lan tỏa rộng rãi.

 
Tại Hà Nội, nhằm phát huy vai trò xung kích của tầng lớp thanh niên, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân đối với việc chung tay chống rác thải nhựa, đầu tháng 9/2020, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” trên toàn thành phố. Bước đầu, chương trình được tiến hành thí điểm tại khu vực chợ Văn La, phường Phú La, quận Hà Đông và chợ Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

 
Theo đó, đã có 3.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa được các đoàn viên thanh niên chuyển tới từng tiểu thương đang kinh doanh buôn bán tại hai khu chợ. Các thanh niên tình nguyện cũng đã đến từng quầy hàng trong chợ hướng dẫn các tiểu thương cách gói hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; vận động người dân khi đi chợ mang theo làn, hộp đựng dùng nhiều lần, túi tái chế hoặc túi làm từ nguyên liệu dễ phân hủy…

 
Đồng thời, đã có 5.000 túi vải thân thiện với môi trường, 500 cuộn túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy, 100 chiếc làn nhựa được các bạn trẻ phát đến tận tay từng người dân khi tới đây mua hàng.

 
Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đó là "Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến tới nói không với rác thải nhựa". Mô hình này bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực và có sự lan tỏa trong cộng đồng, nhằm giảm dần và tiến đến “nói không” với rác thải nhựa dùng một lần.

 
Hay như hoạt động phối hợp giữa Quận đoàn và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để triển khai chương trình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo" vừa được tổ chức cũng trong khoảng đầu tháng 9/2020 diễn ra trên địa bàn 10 phường của quận cũng thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của rất đông người dân trên địa bàn.

 
Theo đó, người dân chỉ cần mang 1 kg rác thải nhựa hoặc rác tái chế các loại đến các điểm thu đổi thì sẽ được nhận về 1 kg gạo. Mỗi người dân được quy đổi tối đa 10 kg rác để lấy 10 kg gạo. Mỗi phường tự chủ động lựa chọn về thời gian và địa điểm để tiếp nhận rác thải và tổ chức phát gạo cho người dân.

 
Hoạt động diễn ra với tần suất 01 lần/tuần và kéo dài đến hết tháng 12/2020. Các đơn vị tổ chức sẽ tập trung thu nhận những loại rác thải nhựa khô, không tích trữ nước cùng một số loại rác thải tái chế được (giấy, bìa carton). Các loại rác thải sau khi gom lại sẽ được vận chuyển tới các địa điểm tái chế vào cuối ngày.

 
Ngoài ra, các phường cũng tổ chức vận động thêm nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đa dạng khác để hoạt động đổi quà thêm phong phú. Cụ thể như: Phường Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình tặng thêm dầu ăn, muối iốt, gạo; phường Phạm Ngũ Lão tặng gạo cùng với các chậu cây xanh…

 
Được biết, nguồn lực và kinh phí thực hiện chương trình hoàn toàn đến từ các nguồn vận động tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, ban tổ chức chương trình đã vận động được trên 4 tấn gạo và đưa về phân bổ cho các phường để tiến hành đổi quà cho người dân.

 
Có thể thấy, vấn đề xử lý rác thải nhựa đã và đang tạo ra thách thức lớn không chỉ cho riêng cá nhân hay tổ chức nào mà đó còn là vấn đề chung của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đang nỗ lực cùng chung tay để chống rác thải nhựa đạt kết quả, bảo vệ môi trường sống. Phấn đấu đến năm 2021, tại các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.


 
Thanh Hồng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn