Kỳ lạ, nông dân be bờ đào ao lưng chừng núi nuôi thứ cá đặc sản bán đắt tiền ở Sa Pả, Sa Pa
09:30 - 06/10/2020
Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) được coi là “thủ phủ” nuôi cá nước lạnh của vùng Tây Bắc với diện tích mặt nước gần 46.000 m2. Nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa những năm gần đây không chỉ mở rộng về diện tích mà còn được chủ nuôi đầu tư về chất lượng. 

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Sa Pa là một trong những ngân hàng đã và đang đem đến cơ hội đầu tư cho nhiều trại cá nước lạnh lớn tại đây.
 

Năm 2017 bắt tay vào sản xuất cá hồi, cá tầm giống và chỉ vụ đầu tiên gặp khó khăn, còn từ đó đến nay trại cá của anh Nguyễn Đức Hiệp (tổ 1, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa) trở thành cơ sở sản xuất giống cá nước lạnh lớn nhất Lào Cai. 
 

Mỗi năm trại xuất bán 4 vụ cá giống, mỗi vụ hơn 40 vạn cá hồi, hơn 20 vạn cá tầm. Cá giống chất lượng tốt, khả năng sinh trưởng cao nên được thị trường ưa chuộng. Số cá giống không chỉ bán trong địa bàn Sa Pa mà còn được người nuôi cá tại tỉnh Lai Châu và tỉnh Sơn La đặt hàng.
 

Anh Nguyễn Đức Hiệp cho biết: Trước đây, tôi nuôi cá thương phẩm nhưng sau đó thấy sản xuất cá giống có lợi nhuận cao nên năm 2017, tôi mở cơ sở sản xuất cá giống. Khi mở rộng cơ sở sản xuất, tôi gặp khó khăn về vốn nhưng nhờ được Agribank Chi nhánh Sa Pa hỗ trợ cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh nên cơ sở nuôi cá mới có được quy mô như hôm nay.
 

Cơ sở sản xuất cá giống của anh Nguyễn Đức Hiệp rộng hơn 2.000 m2 với 30 bể ấp, 10 bể ngoài trời, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 2 triệu con giống. Hiện anh đang dư nợ tại Agribank Chi nhánh Sa Pa 9 tỷ đồng.
 

Trại cá thương phẩm của anh Nguyễn Thế Hải (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được Agribank Chi nhánh Sa Pa cho vay 4,6 tỷ đồng đầu tư gối vụ. Trại cá có 37 ao với 2 vạn cá thương phẩm, chủ yếu là cá hồi.
 

Nếu thuận lợi, mỗi năm trại cá có lãi gần 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Thế Hải có quan hệ tín dụng với Agribank Chi nhánh Lào Cai nhiều năm nay. Anh chủ yếu vay theo hình thức gối vụ, tức là vay tiền đầu tư nuôi cá đến khi xuất bán sẽ trả cho ngân hàng, sau đó lại vay đầu tư vụ sau.

Công nhân trại cá nước lạnh kiểm tra nguồn nước ở phường Sa Pả, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai


Theo anh Nguyễn Thế Hải, nuôi cá nước lạnh phải đầu tư lớn, vì vậy người nuôi rất cần đến vốn vay ngân hàng. Nhiều năm qua, anh là khách hàng thân thiết được hỗ trợ vốn vay bởi Agribank Chi nhánh Sa Pa, từ đó anh có thêm nhiều cơ hội tăng thu nhập từ nuôi cá nước lạnh.

Nuôi cá nước lạnh là một trong những lĩnh vực đầu tư khá hiệu quả của Agribank Chi nhánh Sa Pa. Đến nay, dư nợ cho vay nuôi cá nước lạnh trên địa bàn đạt 22 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019; dư nợ cho vay cá nước lạnh chủ yếu là ngắn hạn luân chuyển nuôi cá nên thu nợ dễ, không phát sinh nợ xấu.
 

Bà Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Agribank Chi nhánh Sa Pa cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm người nuôi cá nước lạnh gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Lý do là cá nước lạnh Sa Pa chủ yếu được tiêu thụ cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch, khi du lịch đóng băng đồng nghĩa với việc cá nước lạnh bị rớt giá. 
 

Trước tình hình đó, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ cho các trại cá gặp khó khăn. Với phương châm “hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn”, Agribank Chi nhánh Sa Pa cam kết đảm bảo đủ vốn góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá nước lạnh phát triển.
 

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay nuôi cá nước lạnh, Agribank Chi nhánh Sa Pa thông qua các tổ chức hội để quản lý và giám sát vốn vay, đồng thời cử cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn theo dõi sử dụng vốn vay từ các khách hàng đang dư nợ. Nhờ đó, nguồn vốn cho vay phát triển nuôi cá nước lạnh được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 

Nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Sa Pa đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn. Tại Sa Pa, nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh từ năm 2005, đến nay đã có 211 cơ sở nuôi quy mô lớn, trong đó 85 cơ sở nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung tại một số xã, phường như Ngũ Chỉ Sơn, Hoàng Liên, Tả Van, Tả Phìn và Cầu Mây. 
 

Năm 2019, sản lượng cá nước lạnh đạt 460 tấn. Nuôi cá nước lạnh trở thành ngành đặc thù của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, nuôi cá nước lạnh còn góp phần thúc đẩy một số ngành, nghề khác phát triển như du lịch, dịch vụ, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
 

Định hướng của ngành nông nghiệp TX Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là thực hiện quản lý diện tích nuôi cá nước lạnh, phát triển sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cá, phấn đấu đến năm 2025, sản lượng cá nước lạnh đạt 650 tấn.

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển nhãn hiệu cá nước lạnh, hình thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, chế biến đa dạng sản phẩm cá nước lạnh. Agribank Chi nhánh Sa Pa đang góp phần hiện thực hóa các định hướng nói trên đối với nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn