Ðồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước, với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn vùng đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
|
Trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh tại tỉnh Ðồng Tháp. (Ảnh TTXVN) |
Bên cạnh những địa phương phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực thì vẫn còn nhiều địa phương gặp khó khăn khi gia tăng giá trị mà chỉ bán nguyên liệu thô... Vì vậy, để phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của toàn vùng, ngoài việc nâng cao chất lượng nông sản, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách gắn với phát triển hợp tác xã (HTX) tại mỗi địa phương.
Phát triển nông sản chủ lực
Hậu Giang là một trong những tỉnh đi đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về quy hoạch vùng trồng và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo phương châm canh tác nông nghiệp theo hướng đa dạng, bền vững, tập trung vào 5 sản phẩm chủ lực là: lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn đồng và các nhóm sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương: khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày được tỉnh chọn để tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hậu Giang, địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường...
Ghi nhận tại HTX Kỳ Như, hoạt động chủ yếu lĩnh vực thủy sản, HTX đã có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Với vùng nguyên liệu khoảng 15ha diện tích nuôi hiện nay, mỗi năm HTX Kỳ Như cho ra sản lượng khoảng 500 tấn cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Cùng với HTX Kỳ Như, HTX Trái cây sinh học OCOP, hoạt động chủ yếu lĩnh vực trái cây cũng là một điểm sáng của nông nghiệp Hậu Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX có 265 hộ tham gia liên kết, với diện tích khoảng 300ha trồng trái cây chủ lực như: chanh không hạt, bưởi năm roi, trong đó có 70ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu. Trong năm 2022, HTX Trái cây sinh học OCOP cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 tấn trái cây các loại, doanh thu đạt 67 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong số HTX nông nghiệp có doanh thu cao nhất của cả nước.
Thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, sát nhu cầu thị trường cũng là quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp, HTX nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 18 đơn vị nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, GlobalGAP, ASC); 19 đơn vị trong lĩnh vực trồng trọt tham gia thực hiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ. Ðây là những thành quả thu được từ những quyết định chưa có tiền lệ, lấy hạ tầng, hỗ trợ vốn đầu tư làm khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Thăm mô hình HTX Nuôi tôm công nghiệp Cái Bát, mới thấy hết ý chí vươn lên làm giàu của người dân nơi đây. HTX Cái Bát thành lập năm 2013 với 15 thành viên thực hiện nuôi tôm quảng canh trên diện tích 74ha theo hướng VietGAP. Hiện vốn điều lệ của HTX là 350 triệu đồng và vốn huy động từ thành viên là 1,678 tỷ đồng. Ðể hỗ trợ các thành viên về giống và đầu ra cho con tôm, HTX đã xây dựng cơ chế liên kết với Công ty Minh Phú. Theo đó, Công ty Minh Phú cung cấp 100% giống tôm đạt tiêu chuẩn cho các hộ xã viên với giá thấp hơn giá thị trường bên ngoài khoảng 2.000 đồng/kg. Trong quá trình nuôi tôm, Công ty Minh Phú cử cán bộ kỹ thuật xuống ao nuôi của từng hộ để hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát quy trình kỹ thuật nuôi tôm. Ðến vụ thu hoạch, công ty thu mua tôm của hộ xã viên với giá cao hơn giá thị trường khoảng 2% (khoảng 2.000-3.000 đồng/kg tôm tươi) cho nên xã viên rất yên tâm sản xuất.
Xây dựng chuỗi liên kết
Theo Bộ NN và PTNT, tạo dựng mối liên kết trong sản xuất bằng những cơ chế có bảo đảm, để sản phẩm đạt được giá thành tốt nhất trên thị trường đã và đang là lựa chọn của các HTX nông nghiệp tại các địa phương hiện nay khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Ðây cũng chính là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp, HTX thật sự chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Tập đoàn Lộc Trời được biết đến là người bạn đồng hành của các HTX, nông hộ trong phát triển sản phẩm chủ lực tại các địa phương. Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, việc xây dựng và phát triển diện tích liên kết sản xuất vùng nguyên liệu dựa trên sự đồng thuận hợp tác của nông dân, đại diện các Liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, kết hợp xây dựng và phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp trên địa bàn đã giúp cho Lộc Trời chủ động được nguyên liệu sản xuất; đồng thời, triển khai thành công kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình canh tác hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các thị trường xuất khẩu. Ðây cũng là khâu then chốt để Lộc Trời có thể phát triển bền vững chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, HTX trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, địa phương cũng có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng. Tại Hậu Giang, tỉnh đã xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Quỹ này được UBND tỉnh cấp vốn bổ sung hằng năm, với vốn điều lệ là 32.050.006.034 đồng và đã được ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho vay. Kết quả, trong 5 năm qua (ước tính đến cuối năm 2022), Quỹ đã cho 74 HTX vay vốn với số tiền 43 tỷ đồng để đầu tư mua máy cuộn rơm, bơm tưới, xe tải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu lúa giống lúa hàng hóa, cây giống các loại,… phục vụ cho nông nghiệp.
Ðối với tỉnh Cà Mau, việc đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như: Chính sách về thuế, đất, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho HTX, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ thành lập mới, chính sách đầu tư hạ tầng, quỹ hỗ trợ HTX... không chỉ giúp HTX từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần tạo đột phá cho những sản phẩm chủ lực địa phương vươn tầm thế giới.
Như vậy, việc có thêm những chính sách mới, quy định cụ thể nhằm khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống. Hy vọng rằng, với những đột phá về chính sách, cơ chế, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững.
Hiện nay, năng lực sản xuất toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây của cả nước; đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước; nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu tầm thế giới...