Nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ và tiếp cận các xu thế phát triển trên thế giới
10:20 - 27/06/2023
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Toàn ngành đã nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức, đạt các mục tiêu đề ra trong sản xuất, xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới.
 

Chuyển đổi mạnh mẽ và khẳng định vai trò “trụ đỡ”

Trước những thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp được Đại hội XIII đề ra đã tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 

Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương

Điểm sáng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới. Năm 2021, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt giá trị 48,6 tỷ USD.
 

Một con số rất đáng chú ý là, trong bối cảnh dịch bệnh, 5 tháng đầu năm 2022, đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: Cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất. Không chỉ vậy, nông sản nước ta đã “đứng chân” ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường hàng đầu và “khó tính”, như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…
 

Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng năm 2022, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 3,36%, ghi nhận nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đánh dấu năm đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD, với thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD, chiếm gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế. Đồng thời, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 85,4 triệu đồng (năm 2016) lên gần 102,8 triệu đồng (năm 2020), 103,6 triệu đồng (năm 2021); năm 2022 đạt 104,8 triệu đồng/ha, tăng 1,2% so với năm 2021.
 

Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình kết hợp lúa - cá, nhân rộng mô hình ao nổi nhằm tăng sản lượng thủy sản. Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ giống nuôi truyền thống, tăng giống nuôi chất lượng. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 184,3 triệu đồng (năm 2016) lên 237,3 triệu đồng (năm 2020), 241,2 triệu đồng (năm 2021); năm 2022 đạt 247,5 triệu đồng/ha, tăng 2,6% so với năm 2021.
 

Quý I năm 2023, tăng trưởng toàn ngành đạt 2,52%; 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 20,26 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, chăn nuôi  190 triệu USD, thuỷ sản 3,47 tỷ USD, lâm sản 5,52 tỷ USD…, xuất siêu 3,5 tỷ USD.
 

Thành quả trên có được là từ việc thực hiện quyết liệt, sát sao các nhiệm vụ của ngành được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.
 

Thực tế, về sản xuất nông nghiệp, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng ngày càng cao; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Trên cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo trục sản phẩm chủ lực.
 

Có thể thấy, ngành Nông nghiệp, với những thế mạnh vốn có, sự sáng tạo và khả năng thích ứng linh hoạt, đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu, vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại.
 

Đưa nền nông nghiệp tiếp cận các xu thế phát triển trên thế giới

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho biết: Giai đoạn 2021-2022, nhiều văn bản, chính sách về lĩnh vực này được ban hành, như: Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 phê duyệt “Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030”...
 

Theo đó, thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao năng lực công nghiệp phụ trợ. Năm 2022, có 9 dự án chế biến với tổng mức đầu tư hơn 6.750 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về chế biến và xuất khẩu nông sản.
 

Việc phát triển kinh tế hợp tác cũng được chú trọng theo quan điểm từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Giai đoạn 2021-2022, các HTX kiểu mới hiệu quả được nhân rộng; số lượng HTX, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường.
 

Riêng năm 2022, cả nước thành lập mới 980 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên gần 21.000. Ngoài ra, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp cũng ngày càng lớn mạnh, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2022, thành lập mới 821 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số lên 14.995 doanh nghiệp, tăng hơn 9,8% so với năm 2021. Sự lớn mạnh của các HTX, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp tiếp cận các xu thế phát triển trên thế giới như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
 

Theo Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được đề cập tới tại nhiều văn bản, chính sách thời gian qua như Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Điều này đã và đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
 

“Trái ngọt” trong xây dựng nông thôn mới

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái”. Đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 6.009 xã/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
 

Đánh giá về những kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Với phương châm thích ứng linh hoạt, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Nhận định về những khó khăn, thách thức toàn ngành đang đối mặt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Giá vật tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, tình trạng khô hạn, thiếu nước dẫn đến thiếu điện. Thiên tai năm 2023 được dự báo sẽ rất phức tạp…
 

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức sản xuất vụ mùa 2023, vụ đông xuân 2023 - 2024. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai…
 

Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Tổ chức tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ qua nền tảng số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 55,5 tỷ USD…
 

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên và kế hoạch của cả nhiệm kỳ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, các bộ ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...
 

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tập trung tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác liên quan.
 

Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022. Theo đó, tiếp tục thực hiện chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.
 

Rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời thu hút các nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.
 

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; mở cửa thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Trong quá trình phát triển, có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
 

Thực hiện mạnh mẽ các chủ trương, chính sách Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Nghị quyết khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
 

Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII hướng tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”


Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn