Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam
16:51 - 28/04/2023
Năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 17,3 triệu USD, tăng 19,9% so năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam


Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vừa qua, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn) - cho hay, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, các sản phẩm này đa phần được xuất khẩu đi các thị trường châu Á (chiếm hơn 90%), sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc.

Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan thêm 6,6 triệu USD nữa. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…

Là đơn vị chuyên thu mua hành tím tại Sóc Trăng, nói về những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hành tím hiện nay, đại diện Công ty TNHH Hành tím Huy Khánh chia sẻ, thời vụ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có lệch so với Indonesia nhưng lại gần như trùng với lịch thời vụ bên phía Thái Lan nên gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu do phải chịu cạnh tranh lớn từ Thái Lan.

Mặt khác, các tiêu chuẩn để xuất khẩu hành ra các nước rất cao, nhưng với quá trình sản xuất hiện nay bà con nông dân địa phương vẫn sản xuất theo quy trình truyền thống nên khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực còn rất hạn chế.

Đồng thời, khi xuất khẩu hành sang các thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản, các thị trường này đều đòi hỏi các giấy chứng nhận về các tiêu chuẩn trong sản xuất như: Global Gap hay GMP… Tuy nhiên, những chứng nhận trên đối với các vùng trồng hành tại Sóc Trăng đa phần vẫn chưa có.

Để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như có đầu ra ổn định cho hành tím, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, cần phải có sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho việc liên kết vùng tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm hành tím địa phương.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tổng diện tích sản xuất hành đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha. Chia sẻ một số khó khăn trong sản xuất hành tím hiện nay, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.

Hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 2, 3 các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm. Do đó, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kỳ vọng sự vào cuộc tham gia, hỗ trợ của tham tán Việt Nam ở nước ngoài, đây sẽ là cầu nối giúp mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm hành tím. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm hành tím của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Đồng thời, thông qua Diễn đàn, ông Trần Thanh Nam cũng kỳ vọng sẽ là cầu nối, đưa các tập đoàn, siêu thị, doanh nghiệp nắm được tình hình sản xuất của các địa phương, từ đó, hỗ trợ kết nối tiêu thụ hành cho người dân.

Liên quan các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ rau củ nói chung và hành, hẹ, tỏi nói riêng, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng.

Để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới. Thêm vào đó, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng.

“Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm và tiếp cận kênh phân phối trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm đáp ứng yêu cầu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và tận dụng ưu đãi từ các FTA”, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị.


 
Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn