Phát triển nguồn lợi thủy sản cùng du lịch ở Quang Bình
18:04 - 25/04/2023
Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng ở huyện Quang Bình từng bước cho hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Dựa vào thế mạnh nuôi thủy sản xen lẫn nét đẹp của phong cảnh thiên nhiên nơi đây, địa phương đang tận dụng những cơ hội sẵn có để đưa cả hai lĩnh vực trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản sông Chừng phát triển nghề nuôi cá lồng.



Thủy điện sông Chừng có chiều dài 15 km, diện tích mặt nước trên 225 ha, dung tích hồ chứa là 43 triệu m3. Với mặt nước rộng lớn và sự phong phú, đa dạng của các loài thủy sinh vật, lòng hồ là môi trường rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Đánh thức tiềm năng đó, trong định hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, huyện Quang Bình đã quan tâm xây dựng Đề án trên. Giai đoạn 2020 - 2025, trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng, thị trấn Yên Bình và xã Tân Nam đã thực hiện được 105 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá Lăng, cá Rô phi đơn tính. Mỗi lồng nuôi cá cho trung bình 1,5 tấn/lứa, tương đương sản lượng 300 tấn/năm, đem về giá trị kinh tế 15 tỷ đồng.

Bên cạnh sản lượng nuôi cá lồng, sản lượng khai thác cá tự nhiên trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đạt 14 - 20 tấn/năm. Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã tạo việc làm cho gần 100 lao động sống ven hồ. Cũng nhờ việc thực hiện Đề án, môi trường lòng hồ được tốt hơn, diện tích xung quanh được người dân trồng rừng đảm bảo hệ sinh thái, công tác tái tạo, bảo vệ các loài thủy sản được thực hiện thường xuyên. Qua các đợt khảo sát, đánh giá, xúc tiến, quảng bá du lịch lòng hồ, các hoạt động du lịch đã và đang dần hình thành như: Du thuyền thưởng ngoạn ngắm cảnh lòng hồ; tham gia đánh bắt cá cùng người dân; thắp hương đình Bản Chún; tổ chức Lễ hội đua thuyền thường niên.

Anh Đinh Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản sông Chừng cho biết: “Hiện nay, Hợp tác xã đã phát triển được trên 86 lồng cá và nhân rộng thêm mô hình nuôi gà đồi, vịt thương phẩm. Các sản phẩm dần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các nhà hàng trong tỉnh. Nhờ nghề nuôi cá, 8 thành viên có việc làm ổn định với mức lương 8 triệu đồng/tháng”. Chị Nguyễn Hồng Thơm, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã đến với Hà Giang và được tham quan, khám phá du lịch, thưởng thức ẩm thực ngay trên nhà hàng sông Chừng. Tôi thấy phong cảnh rất đẹp, hữu tình và nên thơ, song địa phương cần tiếp tục quan tâm, tu bổ, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trên lòng hồ, tạo điểm nhấn cho du khách”.

Huyện Quang Bình có diện tích nuôi trồng thủy sản là 702 ha. Năm 2022, tổng sản lượng ước đạt 427 tấn, giá trị thu nhập ước đạt 21 tỷ đồng. Phát huy lợi thế mặt nước, cùng với Đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng, huyện đã thực hiện Đề án phát triển thủy sản tại 12 xã, thị trấn với 293 hộ tham gia, hỗ trợ trên 183 nghìn con giống cá Chép, Trắm cỏ, Rô phi đơn tính, nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa.

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Một số Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã cho hiệu quả nhất định, song nguồn lực đầu tư cho các chương trình trên còn thấp, thiếu vốn. Khắc phục những khó khăn, huyện chủ trương huy động mọi nguồn lực, mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch vùng lòng hồ Thủy điện sông Chừng. Từ đó, tạo sự liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản và phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

 

Nguồn: baohagiang.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn