Những ngày đầu năm 2023, ghé thăm xã Đông Hà (Quản Bạ), bức tranh nông thôn của một xã đạt chuẩn NTM ngày càng khởi sắc, khoác trên mình diện mạo tươi mới, khang trang, điều đó được thể hiện rõ nét ở từng thôn, bản, hộ gia đình về cuộc sống ngày một ấm no, đầy đủ của nhân dân.
|
Nhân dân thôn Nà Sài chăm sóc diện tích rau chuyên canh. |
Năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Đông Hà vinh dự được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, đây là địa phương đầu tiên của huyện Quản Bạ cán đích NTM. Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, huyện và phát huy nội lực của địa phương, đến nay các tuyến đường liên thôn, liên xóm, đường nội đồng được kiên cố bằng bê tông; 100% các gia đình được sử dụng điện lưới Quốc gia; hệ thống trường học, trạm y tế không ngừng đầu tư, xây dựng, sửa chữa chỉnh trang theo hướng đầy đủ. Kết thúc năm 2022, xã Đông Hà có 18 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt.
Là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế theo từng khu vực thôn, bản. Tận dụng lợi thế đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đông Hà đã ban hành các nghị quyết chuyên đề trong phát triển kinh tế sát tình hình thực tiễn của địa phương. Với sự năng động của cấp ủy, chính quyền xã cùng sự cần cù, chịu thương chịu khó, nhân dân đã tiếp cận tốt với các giải pháp trong canh tác nông nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp 3 vụ với phương châm “luân canh cây trồng, cải tạo đất” tập trung chủ yếu vào sản xuất rau, đậu trái vụ các loại với diện tích 200 ha, lúa Mùa 96 ha, Thảo quả 65 ha, cây mía 14 ha... Duy trì và phát triển đàn trâu, bò gần 1.400 con, đàn lợn gần 2.300 con, đàn gà trên 12.200 con, đàn ong 456 tổ. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-HĐND của HĐND huyện về ban hành định mức hỗ trợ một số nội dung sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2022, xã Đông Hà đã hình thành vùng sản xuất rau chuyên canh an toàn được 2 ha với 15 hộ tham gia tại thôn Thống Nhất và thôn Nà Sài.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng, công tác thu hút các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Trên địa bàn xã hiện có 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp H’Mông Village, thu hút gần 35.200 lượt khách tham quan, ước tính thu nhập trên 15 tỷ đồng/năm; có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
Thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện trong cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân giai đoạn 2021 – 2025, với phương châm “thực hiện tới đâu chắc tới đó”, năm 2022 toàn xã có 8 hộ đăng ký tham gia chương trình cải tạo vườn tạp. Hiện nay diện tích vườn tạp của nhân dân sau cải tạo phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch sản phẩm như: Mô hình trồng cây ổi, cây cam, cây mía... Gắn với đó, chương trình khởi nghiệp cũng tạo động lực cho nền kinh tế vùng nông thôn xã Đông Hà ngày càng khởi sắc với 10 mô hình hiệu quả như: Mô hình gia trại chăn nuôi của anh Vùi Văn Nguyên, thu nhập trên 200 triệu đồng; các mô hình trồng rau sạch chuyên canh thôn Nà Sài, Thống Nhất, Sang Phàng thu nhập trên 40 triệu đồng/vườn.
Đồng chí Lệnh Phong Điền, Chủ tịch UBND xã Đông Hà cho biết: Trong năm 2023, xã Đông Hà sẽ phát huy tối đa những thành tựu đạt được để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế có trọng tâm, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường QP - AN, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu thực hiện hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.
Sau những nỗ lực trong xây dựng NTM, bức tranh nông thôn Đông Hà được tô điểm nhiều “gam màu” tươi sáng. Sự sung túc, đủ đầy hiển hiện trong mỗi nếp nhà, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.