Bản Luốc vượt khó, thoát nghèo
09:07 - 14/04/2023
Xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) là địa bàn sinh sống của 480 hộ, 2.399 khẩu, trong đó dân tộc Dao áo dài chiếm 88,87%. Theo tiếng địa phương, Bản Luốc là bản nghèo, tên gọi này có từ xa xưa bởi xã có địa hình không thuận lợi, chủ yếu là đồi núi dốc bị chia cắt mạnh, nhiều khe suối; mặt khác, do trình độ canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, sản phẩm nông, lâm nghiệp nghèo nàn. Do đó, hầu hết các gia đình của xã Bản Luốc đều thuộc diện hộ nghèo.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc.


Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng xã Bản Luốc cũng có không ít thuận lợi chưa được khai thác phát huy, đó là tiềm năng về đất đai. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của xã rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây và con giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bản Luốc còn có tiềm năng to lớn về du lịch, bởi đây là một trong 11 xã của huyện Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn, hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang với những thửa ruộng đẹp nhất, nhì khu vực các tỉnh phía Bắc.

Nhiều năm trở lại đây, bài toán làm thế nào phát huy những thế mạnh sẵn có để giúp bà con phát triển kinh tế thoát nghèo luôn được đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền nơi đây. Và một trong những hướng đi đúng đó là mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện thâm canh, luân canh tăng vụ, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy thế mạnh về cảnh quan để khai thác, phát triển du lịch, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Để kích thích ý thức làm giàu trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã lựa chọn xây dựng một số mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đồng thời, tổ chức cho các hộ gia đình đi tham quan học tập kinh nghiệm ở một số địa phương có những nét tương đồng, từ đó đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức và khát vọng làm giàu trong nhân dân.

Nếu như trước đây các gia đình chỉ tập trung gieo cấy một vài giống lúa lai thì hiện nay các loại thóc gạo chất lượng cao đã được quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tuân thủ các quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm gạo nếp và gạo Dui của xã Bản Luốc được công nhận đạt 3 sao OCOP.

Bản Luốc cũng là một trong những xã đi đầu của huyện Hoàng Su Phì trồng rau quả chất lượng cao tại các thôn Thái Bình, Bình An. Từ đó góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất và nâng giá trị sản xuất từ 35 lên trên 65 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong năm 2022 xã đã triển khai thí điểm chuyển đổi một số diện tích đất ruộng thiếu nước sang trồng lúa nếp nương và cho năng suất trên 36 tạ/ha. Kết quả đó đã mở ra hướng mới trong việc sử dụng có hiệu quả các diện tích đất để canh tác các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của toàn xã đạt 782 ha, trong đó riêng ruộng bậc thang trồng lúa nước có 167 ha, đất nương trồng ngô và đậu tương có 352 ha, đất chè Shan tuyết có trên 255 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.808 tấn (riêng 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là lúa Dui đạt 158 tấn, lúa nếp 143 tấn), đậu tương 147,2 tấn, lạc 35,2 tấn, rau các loại trên 1.124 tấn, cây chè sản lượng 693 tấn chè búp tuơi chế biến được 138 tấn chè thương phẩm, trị giá 21 tỷ đồng. Lĩnh vực chăn nuôi của xã cũng có bước phát triển khá, ngoài việc duy trì tổng đàn trâu 1.319 con, đàn bò 69 con, đàn dê 1.505 con, đàn lợn 3.506 con và 20.350 con gia cầm các loại, năm 2022 toàn xã đã xuất bán được trên 20 tấn thịt hơi các loại và 1,36 tấn mật ong ra thị trường. Nhiều hộ gia đình đã biết phát huy thế mạnh về nghề thủ công như rèn đúc, chạm khắc bạc, dịch vụ buôn bán, sửa chữa xe máy, nông cụ để nâng cao thu nhập. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, để đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm danh thắng ruộng bậc thang, trên địa bàn xã có 6 hộ và 27 người tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch như homestay, ăn uống, vận chuyển.

Những cố gắng trên con đường thoát nghèo của xã Bản Luốc những năm gần đây đã đem lại kết quả tích cực. Năm 2022 toàn xã có 37 hộ thoát nghèo và 33 hộ từ cận nghèo lên hộ không nghèo, không có hộ tái nghèo hoặc tái cận nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 68,33% năm 2021 xuống còn 58,75% năm 2022.

 

Nguồn: baohagiang.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn