Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Gia Lai có sự thay đổi mạnh mẽ; đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Có được kết quả nêu trên, ngoài sự quan tâm của Nhà nước thì việc huy động đóng góp của người dân được xem là thành công lớn cho chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc này.
|
Dự án VnSAT Gia Lai hỗ trợ xây dựng đường giao thông ra khu sản xuất tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. |
Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và mới đây, tại Hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững ở tỉnh Gia Lai", nhiều bài học sâu sắc được rút ra và trở thành những kinh nghiệm quý để các địa phương tiếp tục triển khai ở giai đoạn tiếp theo.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế, thành công nhất của chương trình là đã thật sự đến được với người dân, vì người dân và thu hút được sự tham gia hưởng ứng tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao.
Khi lòng dân đồng thuận
Ông Rơ Châm Thon, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Krai, huyện Ia Grai, dẫn chúng tôi đến làng Mayh, làng điển hình về phong trào hiến đất làm đường giao thông. Những năm trước, đường vào làng dài hơn 700m, chiều rộng chỉ 1,5m, toàn bộ là đường đất, trời nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Năm 2022, huyện Ia Grai cấp kinh phí 1,2 tỷ đồng triển khai cải tạo, nâng cấp con đường lên 4m, gồm ba nhánh với tổng chiều dài 760m.
Theo ông Ksor Ché, Trưởng thôn Mayh, việc mở rộng tuyến đường nội thôn, nội đồng sẽ lấn vào đất của một số hộ dân. Trước thời điểm triển khai, Chi bộ và Ban nhân dân thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ sự ưu tiên, quan tâm của huyện; đồng thời, việc mở rộng các tuyến đường trong làng, đường nội đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển nông sản.
"Qua công tác vận động, bà con thấy được lợi ích của việc mở đường và tự nguyện hiến đất, riêng gia đình mình cũng đi đầu, tự nguyện hiến gần 600m2 đất và gần 100 cây cà-phê", ông Ksor Ché cho biết. Ông Ksor Jinh, người đã hiến hơn 200m2 đất ruộng, nói: "Mình đóng góp một phần lợi ích để xây dựng địa phương.
Mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, vì mục đích cuối cùng cũng chỉ là phục vụ cho bà con mà thôi. Giờ thấy làng, xã có nhiều chuyển biến, bộ mặt nông thôn khởi sắc, mình rất phấn khởi". Chỉ trong thời gian ngắn, ba tuyến đường hoàn thành trong sự vui mừng của bà con thôn Mayh.
Từ sự đồng lòng, chung sức của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới tại huyện biên giới Đức Cơ đã và đang gặt hái được nhiều kết quả. Đến cuối năm 2022, huyện đã có ba trong số chín xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 12-16 tiêu chí. Đặc biệt, huyện đã có 20 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có năm làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong hơn một năm, xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới Ia Din (huyện Đức Cơ) đã huy động được 6 tỷ đồng để bê-tông hóa nhiều tuyến đường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Din Phùng Văn Cường, cho biết: Khi xã triển khai chủ trương làm đường giao thông nông thôn, người dân rất đồng tình hưởng ứng. Ngoài đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, người dân ở các thôn còn đóng góp 450 triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động cho việc bê-tông hóa các con đường làng.
Không chỉ bê-tông hóa, nhựa hóa, nhiều tuyến đường ở huyện Đức Cơ giờ đây còn được người dân tự bỏ tiền lắp điện chiếu sáng; trong số này có tuyến đường dài hơn 20km từ xã Ia Din đến Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; các thôn, làng, xã dọc quốc lộ 19B…
"Những công trình điện, đường này là sự chung tay, góp sức của người dân, qua đó không chỉ giúp đường làng, ngõ xóm khang trang; điện thắp sáng đường quê, mở lối cho buôn làng kết nối, thông thương; mà còn góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông", ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ cho biết.
Xây dựng nông thôn mới về chất
Theo Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu có 120 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2023, ngoài việc tổ chức rà soát thực trạng, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng những chỉ tiêu/tiêu chí đã đạt chuẩn của 91 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, Gia Lai phấn đấu có thêm 9 xã, 41 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói về những thành công của các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang, cho biết: Ngoài những mặt thuận lợi vốn có như tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; có hình thức tổ chức sản xuất đa dạng; hệ thống chính trị-xã hội vững mạnh… thì nguyên nhân quan trọng nhất, giúp các xã hoàn thành tiêu chí và sớm về đích nông thôn mới là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân. Điều này được thể hiện qua sự chủ động tham gia của người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang ý nghĩa xã hội thiết thực.
Trước đây, xã Kbang chỉ có vài chục mét đường bê-tông thì chỉ trong 5 năm thực hiện chương trình, xã đã triển khai xây dựng được hàng chục ki-lô-mét theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Phong trào hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh được người dân hưởng ứng tích cực, người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn, đó là chưa kể đến số lượng hoa màu trên đất bị phá bỏ để hiến đất có tổng giá trị hàng chục tỷ đồng… Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp tiền mặt, ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết: Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Gia Lai là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp; sự đồng thuận của người dân; chung sức của doanh nghiệp, các đơn vị quân đội trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai trong thời gian qua chưa đồng đều, chưa thật sự bền vững, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số".
"Quan điểm của tỉnh là trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phải tạo được sự đồng thuận cao trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng lợi", do đó, việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân là hết sức quan trọng. Làm sao để người dân thật sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình; đồng thời phải tạo mọi điều kiện để người dân có thể tham gia trực tiếp xây dựng một số công trình, phần việc mà họ có thể đảm đương.
Khi đó, vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, sẽ đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới". Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai, trong hơn 10 năm thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn đã huy động là 31.868 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 8.770,2 tỷ đồng; doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 21.672 tỷ đồng và hàng chục nghìn héc-ta đất. Đến nay, Gia Lai đã có 91 trong số 182 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Pleiku cùng hai thị xã Ayun Pa và An Khê được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.