Đắk Nông: Xây dựng mã số vùng trồng cho chỉ dẫn địa lý hồ tiêu
08:34 - 15/02/2023
Tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng từ 5 mã số vùng trồng tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, từ đó kiểm soát và đẩy mạnh phát triển chỉ dẫn địa lý hồ tiêu địa phương.
Các sản phẩm hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông


UBND tỉnh Đắk Nông xác định, hồ tiêu là một trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh từ thực tế rằng Đắk Nông có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, vùng tiêu Đắk Nông được cộng đồng hồ tiêu trong và ngoài nước đánh giá là địa phương tiên phong với phương thức sản xuất hồ tiêu sạch, an toàn, hướng đến thâm canh hữu cơ toàn diện.

Nhờ đó, tỉnh Đắk Nông luôn là địa phương được lựa chọn tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm thúc đẩy phát triển và quảng bá sản phẩm hồ tiêu sản xuất theo mô hình hữu cơ an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

Từ năm 2002 - 2021 diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng liên tục từ 550ha lên tới 33.532ha, sản lượng đạt 54.607 tấn. Năm 2022, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 33.500ha, sản lượng đạt trên 60.000 tấn, qua đó đưa Đắk Nông trở thành địa phương có năng suất hồ tiêu cao nhất Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới.

Để triển khai hệ thống quản lý, sử dụng và kiểm soát Chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước đưa Chỉ dẫn địa lý hạt tiêu “Đắk Nông” trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh, góp phần bảo vệ, phát huy quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát đối với Chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông" cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025.

Tại kế hoạch này, UBND tỉnh Đắk Nông đã đặt ra 5 nội dung chính, đó là: Rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý Chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống công cụ quản lý Chỉ dẫn địa lý, bao gồm: các văn bản, biểu mẫu hướng dẫn hoạt động quản lý, sử dụng và kiểm soát Chỉ dẫn địa lý; hoạt động tuyên truyền, vận động đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý và hoạt động tập huấn cho tổ chức chứng nhận độc lập; các hoạt động hỗ trợ cho việc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; hoạt động kiểm soát, đánh giá của các chủ thể được trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Đồng thời, giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý thông qua các biện pháp quản lý hành chính; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và giải pháp về công tác tuyên truyền.

Cũng tại kế hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện hoạt động quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ triển khai thực hiện theo kế hoạch. Nghiên cứu, đề xuất, chủ trì thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài về phát triển bền vững sản phẩm hạt tiêu; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan kiểm soát và bảo vệ chất lượng sản phẩm hạt tiêu mang Chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông”. Triển khai thống kê thông tin vùng trồng, các cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm hạt tiêu trên địa bàn toàn tỉnh; hỗ trợ các chủ thế sản xuất và kinh doanh xây dựng hồ sơ để cấp mã số vùng trồng theo quy định.

Giao Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế đối với sản phẩm hạt tiêu mang Chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025 và nghiên cứu, đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài liên quan đến quảng bá và phát triển thương hiệu cho sản phẩm hạt tiêu mang Chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông”.

 
Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn