Vận động hội viên, nông dân Quảng Ngãi tham gia bảo vệ môi trường
10:22 - 12/09/2022
(MTNT) – Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nông thôn luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội.
Từ khi có lò đốt rác mini, người dân nông thôn đã dần hình thành ý thức thực hiện việc phân loại rác thải ngay tại nhà trước khi mang đến lò đốt, góp phần bảo vệ môi trường sống

 
Hội ND tỉnh còn chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng chương trình phối hợp hoạt động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư và gia đình văn hóa”. Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp ở khu dân cư. Từ đó, tỉnh Hội lựa chọn tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa vào nhiệm vụ hàng năm của các cấp Hội để tích cực chỉ đạo thực hiện.

 
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân luôn được các cấp Hội trong tỉnh xác định đóng vai trò hết sức quan trọng. Hàng năm, Hội ND tỉnh phối hợp với ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn về: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và Nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường… Qua đó, nâng cao kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở.

 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục còn được các cấp Hội tổ chức lồng ghép phổ biến một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương như: Thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ, các hội nghị… nhằm tăng tính hiệu quả. Hoạt động này thường tập trung áp dụng chủ yếu ở các địa bàn có làng nghề hoặc các khu đô thị; đặc biệt là tuyên truyền cho hội viên, nông dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

 
Kết quả, đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được hơn 450.000 lượt hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở Hội xây dựng trên 1.700 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để giảm thiểu chất độc hại thải bỏ ra môi trường sống.

 
Đáng chú ý, nhiều mô hình khi triển khai đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như: Mô hình “Nhà sạch - đường đẹp” của nông dân huyện Nghĩa Hành; mô hình “Cánh đồng xanh” của nông dân huyện Mộ Đức; mô hình “Lò đốt rác” của nông dân các huyện Minh Long, Ba Tơ... Từ đó, góp phần thay đổi nếp sống và văn hóa cho người dân ở nông thôn, ngày càng hướng tới mục tiêu sống thân thiện với môi trường.

 
Năm 2022, hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút được hàng chục ngàn cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia. Các cơ sở Hội cũng thường xuyên duy trì, phát triển những mô hình Câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gom xử lý rác thải…

 
Với đặc thù của một tỉnh ven biển, với đường bờ biển dài 129 km2, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch để đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này chính là tại nhiều địa phương ven biển vẫn có tình trạng vứt rác thải tràn lan trên các bãi biển, dọc theo khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như cảnh quan môi trường, hệ sinh thái biển.

 
Để khắc phục tình trạng này, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt để góp phần giải quyết bài toán về ùn ứ rác thải sinh hoạt của người dân ven biển. Từ đó đem lại cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và văn minh, nhất là ở các bãi biển để thu hút khách du lịch.

 
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; đặc biệt là môi trường biển. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, nhiều phong trào đã góp phần làm thay đổi hành vi, dần trở thành thói quen trong nếp nghĩ, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nói chung và của hội viên, nông dân nói riêng. 

 
Đặc biệt, đã có nhiều dự án cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường được hình thành và triển khai ở khắp các xã ven biển. Qua đó nhằm kêu gọi toàn thể Nhân dân cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với môi trường thông qua những hành động thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như: Dự án “Tử tế với Sa Cần” được triển khai ở bãi biển Sa Cần thuộc xã Bình Thạnh- huyện Bình Sơn được phát động từ năm 2019 và đến nay vẫn đang duy trì hiệu quả.

 
Theo đó, với hình thức vận động thông qua các trang mạng xã hội để kêu gọi các đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ được số tiền hơn 200 triệu đồng nhằm giúp địa phương tạo nguồn kinh phí thực hiện hoạt động của dự án. Cụ thể như: Mua sắm thùng đựng rác; hỗ trợ phương tiện vận chuyển; tổ chức thu gom rác thải; cấp phát dụng cụ cho người dân tham gia dọn rác ở bãi biển…

 
Qua một thời gian hoạt động, dự án này đã tạo được hiệu ứng tích cực, đang lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, khá nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường biển đã được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả ở khắp các địa phương trong tỉnh.

 
Điển hình như mô hình “Tử tế với Mỹ Khê”, “Tử tế với Sa Kỳ” do Hội ND thành phố Quảng Ngãi phát động từ tháng 5/2022. Cụ thể, theo định kỳ vào mỗi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, các lực lượng trên địa bàn (gồm hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên) tiến hành ra quân dọn rác ở các bãi ven biển Sa Kỳ và Mỹ Khê. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã cho lắp đặt các camera để theo dõi những trường hợp cố tình vứt rác ra biển. Từ đó kịp thời có hình thức phê bình trên các phương tiện thông tin ở địa phương nhằm gia tăng tính răn đe, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường chung và trả lại sự trong xanh của các bãi biển. 

 
Tính đến nay, phong trào đã kêu gọi và huy động hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội viên, đoàn viên của tổ chức Hội trên địa bàn toàn thành phố tham gia hưởng ứng việc dọn dẹp, làm vệ sinh tại khu vực ven sông Bài Ca, xã Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi). Nhờ đó, đã có hơn 19 tấn rác thải được thu gom, vận chuyển về nơi xử lý rác thải nhựa đúng qui định, góp phần làm sạch môi trường biển nơi đây. 

 
Cùng với đó, để tạo lập không gian, cảnh quan sạch đẹp tại khu vực biển, giúp địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, mới đây, thành phố Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ phát động và trồng cây ở khu vực biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê. Hoạt động này nhằm tích cực hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 và Kế hoạch trồng cây xanh khu vực nông thôn, trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất đến năm 2025.

 
Theo đó, với chiều dài trên 800 m2, thành phố sẽ cho trồng 31 cây phượng vỹ và 20 cây hoa giấy (trên phần vỉa hè) và trồng 910 cây dừa (tại khu vực bãi cát từ mép đường ra biển). Ước tính kinh phí thực hiện khoảng trên 210 triệu đồng, riêng cây dừa được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Sau khi triển khai hoạt động này sẽ tăng diện tích phủ xanh ở khu vực biển, góp phần nâng cao mỹ quan cho bãi biển Mỹ Khê.


Nhiều cơ sở Hội cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo giúp cho công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả tích cực. Hội ND các huyện như: Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn; tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp, đốt hoặc ủ phân hữu cơ. Đối với các loại rác thải rắn được tập trung đến một địa điểm để xe thu gom rác đến vận chuyển đi theo qui định.

 
Đáng chú ý, tại địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh, nhiều đơn vị Hội cấp huyện đã xây dựng những mô hình thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiệu quả. Nhờ đó, các khu dân cư, thôn xóm ngày càng sạch sẽ, văn minh hơn, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp.

 
Một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường là Hội ND huyện Bình Sơn. Theo thống kê, toàn huyện có 22/22 cơ sở Hội đồng loạt triển khai (đạt 100%) với 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả.

 
Tiêu biểu như chi Hội ND An Cường ở xã Bình Hải, Trước đây, người dân có thói quen vứt rác ra hai bên đường vắng người qua lại lâu dần thành bãi rác gây ô nhiễm. Trước thực trạng trên, cùng với việc được UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường, chi Hội đã phân công hội viên, nông dân thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác về đúng nơi quy định. Mặt khác, hội viên, nông dân còn tích cực trồng hoa để tạo cảnh quan xanh, đẹp và thông thoáng ở những tuyến đường giao thông nông thôn.

 
Địa bàn huyện miền núi Minh Long, do tình hình dân cư sống khá thưa thớt nên các xe thu gom rác không đến được tận nơi. Vì thế, người dân vẫn phải tự xử lý rác thải theo cách cũ là thu gom rồi đốt vừa mất vệ sinh vừa tốn công sức.

 
Vào thời điểm cuối năm 2019, Hội ND xã Long Sơn đã cho triển khai mô hình “Lò đốt rác” ở chi Hội thôn Gò Tranh. Chỉ trong một tháng vận động, các hội viên, nông dân trong thôn đã nhiệt tình đóng góp tiền của để xây dựng 2 lò đốt rác kiên cố, đặt ở 2 cụm dân cư trong thôn. 

 
Sau gần nửa năm vận hành lò đốt rác, người dân đã tự có ý thức thực hiện việc phân loại rác thải ngay tại nhà trước khi mang đến lò đốt; đến khi lò đầy rác thì người dân cũng tự giác tiêu hủy. Từ những hiệu quả bước đầu mà lò đốt rác mang lại, chi Hội sẽ tiếp tục vận động quyên góp để tiếp tục xây dựng thêm 2 lò đốt rác nhằm thuận lợi hơn trong việc xử lý rác thải tập trung trên địa bàn.

 
Hay như mô hình “thu gom rác thải trên cánh đồng” của nông dân các xã Đức Phong, Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng đã được đồng tình hưởng ứng và cấp chính quyền ghi nhận, tuyên dương trong nhiều năm qua. Hội ND xã vận động hội viên nông dân đóng góp tiền mua hố bi xi măng đặt trên khắp các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc BVTV, đến cuối tháng sẽ được các chi hội trưởng Hội ND của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để tiêu thụ (đốt và phân hủy). Nhờ vậy mà tình trạng vứt rác, vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi xuống kênh, mương như trước đây không còn nữa mà thay vào đó là dòng nước trong xanh để tưới cho cánh đồng màu mỡ.

 
Ngoài ra, mô hình “Thu gom rác thải trên cánh đồng” của hội viên, nông dân các xã Đức Phong, Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) cũng đã cho thấy tính hiệu quả rõ nét. Nhiều năm qua, mô hình này được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận và tuyên dương, đồng thời thu hút sự hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo bà con trong xã.

 
Bằng việc vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền mua hố bi xi măng lắp đặt trên khắp các cánh đồng để dùng làm nơi tập kết vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi mùa vụ. Đến cuối tháng, các hố bi sẽ được các chi Hội trưởng của các thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác tập trung của xã. Đến nay, người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của bản thân, tình trạng vứt rác thải, vỏ bao bì thuốc thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi xuống kênh, mương như trước đây dần chấm dứt…

 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Hội sẽ quan tâm, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; phối hợp với ngành chức năng thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống; vận động bà con không đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn…

Lê Vân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn