Ông nông dân có thu nhập tiền tỷ từ sản xuất gạch tuynel ở Phú Thọ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Khi gặp anh Nguyễn Khắc Hiếu (xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) với mô hình sản xuất gạch Tuynel mang lại thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm. Cùng với 99 nhà nông tiêu biểu của cả nước, anh Nguyễn Khắc Hiếu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
|
Anh Nguyễn Khắc Hiếu là một trong 3 nông dân xuất sắc của tỉnh Phú Thọ. |
Ấn tượng ban đầu chỉ là sự gần gũi, cởi mở, chân chất của người nông dân. Thế nhưng, khi được trò chuyện, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục ý chí làm giàu của anh.
Bắt đầu câu chuyện của khởi nghiệp của đời mình, anh Hiếu trầm tư và bắt đầu câu chuyện. Bố mất sớm, với niêm đam mê kinh doanh từ bé anh đã bắt đầu kinh doanh từ năm 17 tuổi.
Lúc bố mất anh Hiếu cũng đã lập mô hình kinh doanh nhỏ. Đến năm 21 tuổi thì anh cũng đã có kinh tế hơn so với bạn đồng lứa. Sau đấy anh đi làm ăn chung với một số người, đem tiền của mình đi, người ta có sức để cùng mở mang kinh doanh.
"Nhưng không may là không mô hình nào tồn tại, được thì chia nhưng thua thì mình chịu. Trước làm mô hình đào ao thả cá, chăn nuôi, liên doanh liên kết như nhà nào có hồ thì tôi mua cá về thả, họ chỉ cần trông nhưng đến lúc thu thì mình không được con nào, đi mua đất rừng để liên doanh liên kết trồng rừng thì cũng bị lừa hết tiền", anh Hiếu thổ lộ.
Tổng kết lại, vào năm 1995 anh Hiếu đã lỗ khoảng 50 triệu, đây là một khoảng tiền lớn lúc bấy giờ. Cũng trong năm nay (mới 22 tuổi) do thua lỗ quá nhiều cũng như mất niềm tin vào những người anh đã xem là cộng sự nên anh Hiếu đã phải bỏ quê lên Hà Nội kiếm việc làm.
"Lúc đi tôi để lại cho vợ khoản nợ ngân hàng vì trước khi tôi bỏ đi thì tôi thế chấp nhà cửa đi vay ngân hàng một số tiền để thanh toán tất cả số nợ nần của mọi người. Lúc bước chân ra đi thì không vướng bận nợ của ai, chỉ vay nợ ngân hàng", anh Hiếu tâm sự.Lúc mới xuống Hà Nội anh đã bắt đầu công việc xách vữa thuê, ngày công có 8 nghìn. Lãi ngân hàng lúc đấy 280 nghìn 1 tháng. Nếu 1 tháng anh làm đủ ngày thì chỉ đủ tiền trả lãi, cơ hội để thay đổi lúc này khá mờ mịt.
Nhưng rồi anh cũng cố gắng, từ thợ xách vữa anh mày mò, phấn đấu học hỏi thành thợ điện nước. Ngày thì làm thuê cho ông chủ, tối đi nhận các công trình dân dụng nhỏ, làm được gần 3 năm thì anh trả được hết nợ ngân hàng và mua được 1 chiếc xe máy.
Đến năm 1998, khi một lần về quê chơi thì biết tin bến đò ở quê được đấu thầu lại thì anh đã bỏ tiền ra để xin đấu thầu. Lúc đầu lập nghiệp từ bến đò khá vất vả, gần như không đủ ăn, nhưng anh cũng cố cùng anh em chung vốn đóng phương tiện mới, đưa cơ chế mới vào khai thác bến đò. Dần dà được mọi người tin tưởng nên việc kinh doanh bến đò cũng gặp nhiều thuận lợi.Đến năm 2005, tại khu đất hiện nay anh đang xây dựng nhà máy gạch là khu đất bỏ hoang, nhiều người trong xã đấu thầu để nuôi trồng nhưng không thành công.
Anh kể, hôm đấy tôi ra ngân hàng nộp lãi, có một người anh làm địa chính ở xã bảo có khu đất bỏ hoang không ai làm thì em có làm không, lúc này tôi sợ có tranh chấp đất nên cũng hỏi đi hỏi lại và được biết khu đất này không có tranh chấp, chủ cũ đã viết đơn xin trả lại mảnh đất này. Lúc này vẫn còn niềm đam mê với nông nghiệp nên tôi đã xin đấu thầu để phát triển lại".
Lúc mới bắt đầu anh đào ao thả cá, nhưng khu này toàn đất cát nên khi anh đào ao cả làng ra xem, ai cũng bảo anh Hiếu điên khi đào ao thả cá ở trên đất cát. Nhưng anh đã bỏ ngoài tai và vẫn hoàn thiện được việc đào ao thả cá, kết hợp trên bờ thì anh nuôi lợn.
Anh Hiếu chia sẻ: "Lứa cá thả đầu tiên do không biết kỹ thuật nên cá chết nổi trắng ao, anh thiệt hại hơn 1 tấn cá. Việc chăn nuôi như thế cũng nhiều rủi ro, có năm được năm mất. Đến năm 2007 cúm gà H5N1 xuất hiện, lúc chuẩn bị đến ngày xuất chuồng thì gà chết sạch. Anh bùi ngùi kể: "Chết đến mức độ tiếc vợ chồng sáng ra vác cân đi cân gà chết xem mỗi ngày mất bao nhiêu".
Nhưng sau nhiều thất bại anh cũng không nản chí, lúc này gần chỗ trang trại của anh có một lò gạch, anh đã suy nghĩ nên tiếp tục đào ao thả cá, việc đào ao cũng có lợi là đất đào ao sẽ bán cho nhà máy gạch và mình cũng sẽ có một nguồn thu ổn định để có thể tái đầu tư.
Nhưng cho dù anh tính thế nào nhưng việc đào ao cũng vấp nhiều khó khăn, từ việc đào ao khó khăn phải thuê máy xúc với chi phí cao, đến việc bị ép giá đất nên anh đã quyết định hướng làm ăn khác. Khi đó anh đã hỏi ý kiến anh em bạn bè, người thân, những người đã luôn đồng hành với mình có nên xây dựng một lò gạch hay không, vì lúc này đất để sản xuất gạch mình có, mà nhu cầu người mua cũng khá cao, khi được mọi người ủng hộ anh đã mạnh dạn đi vay vốn khắp nơi.
Lúc này trang trại của anh cũng có lứa lợn hơn 25 con chuẩn bị xuất chuồng, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bạn bè đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng lò gạch.Năm 2009 anh bắt tay xây dựng lò gạch với số vốn 1 tỷ, 4 tháng sau thì những viên gạch đầu tiên ra đời, nhưng không phải may mắn lúc nào cũng tới, mẻ gạch đầu tiên bị lỗi nên không bán được, anh đã phải thức trắng đêm suy nghĩ và tìm hiểu nguyên nhân, cũng như đi tham khảo các lò gạch khác ở trong vùng và anh đã tìm ra được cách khắc phục. Lúc này, mỗi ngày lò gạch của anh cho ra thị trường khoảng 1,8 vạn. Sau 1 năm anh tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng công suất lên 2,9 vạn gạch. Do gạch đạt chất lượng tốt nên nhiều người đã tìm đến gạch của anh để mua .
Đến năm 2012 anh lại vay tiếp ngân hàng hơn 3 tỷ để nâng cấp công nghệ cũng như quy mô của lò gạch, anh cho biết: "Công nghệ lò thủ công vẫn còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của bản thân. Tôi lại tiếp tục đi tìm hiểu mô hình lò Trung Quốc, nhưng lò Trung Quốc lại quá to, ống khói lên đến 80, 90 m. Một người quen mách cho tôi dưới Hà Tây có mô hình lò Việt Nam làm rất tốt, tôi liền đi xe máy xuống để tìm hiểu...".
"Lúc xuống thì cũng gặp khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì ngày đêm đi khắp vùng để xem kiểu dáng, cách hoạt động, năng suất chất lượng như thế nào, qua tìm hiểu và nhận thấy mình có thể làm được một mô hình lò gạch kết hợp giữa 2 lò gạch Trung Quốc và Việt Nam. Sau khi thăm mô hình lò gạch Việt Nam tôi lại đi thăm mấy lò lớn Trung Quốc, sau đó về nhà cân đối lại số vốn và khả năng của mình tôi đã xây dựng lò gạch có công suất bằng Trung Quốc, nhưng ít tiền bằnglò gạch Việt Nam. Từ ngày đấy mới tôi mới gọi là có thu nhập, ăn nên làm ra được một ít", anh Hiếu chia sẻ tiếp.Đến năm 2014, lại có giấy báo về cho anh Hiếu trước năm 2020 sẽ phải xóa lò đứng và tất cả phải quy chuẩn gạch nung Tuynel. Lúc đấy anh đang có số nợ ngân hàng lên đến 8,5 tỷ đồng, anh cũng đã lo lắng sẽ không trụ được vì mới đầu tư hàng tỷ đồng chưa được bao lâu thì đã phải đập bỏ để thay thế lò công nghệ mới.
Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ, đắn đo thì đến năm 2017 anh lại tiếp tục làm thủ tục xây dựng lò mới, mãi đến năm 2019 mới có giấy phép xây dựng thì anh đã bắt tay xây dựng cũng như tìm hiểu thêm công nghệ để áp dụng vào việc sản xuất.
Lúc này anh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất 40 tỷ, chuyển đổi công nghệ từ lò nung kiểu đứng sang công nghệ gạch nung Tuynel; đưa robot, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, cơ sở sản xuất gạch của anh Hiếu tạo việc làm cho 40-50 lao động, thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Công ty cũng tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới như xây dựng hệ thống điện – đường, đóng góp, ủng hộ các quỹ do địa phương phát động lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.
Với thành tích đạt được, ông Hiếu được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2014; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016", mới đây là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" và nhiều thành tích cấp tỉnh, huyện khác.Bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết: Phú Thọ là tỉnh duy nhất có 3 nông dân xuất sắc, đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào đối với 3 nông dân mà còn là niềm vinh dự đối với tổ chức hội nông dân, giai cấp nông dân của tỉnh.
"Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của tỉnh ủy Phú Thọ thì chúng tôi đã bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện các phong trào một cách sâu rộng và đạt được kết quả đồng đều giữa các lĩnh vực. Trong đó trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", đây cũng là một phong trào mà từ đó khơi dậy được tinh thần thi đua sôi nổi trong giai cấp nông dân...", bà Hạnh cho biết.
Theo bà Hạnh, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ sẽ huy động các nguồn lực về con người, vốn, dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và dạy nghề, cùng với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công những mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh ở quy mô hàng hóa, sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chắc chắn, trong quá trình thực hiện, những "Nông dân Việt Nam xuất sắc" là những nhân tố tích cực đi đầu trong đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung.