Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là xu hướng tất yếu hiện nay
Đó là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi giữa đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) với TSKH. Hà Phúc Mịch- Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tại buổi làm việc diễn ra vào chiều nay (07/4), tại Hà Nội.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu tại buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc, về phía Trung ương Hội NDVN có Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cùng đại diện lãnh đạo một số Ban, đơn vị liên quan. Về phía đoàn công tác của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam có đại diện lãnh đạo Hiệp hội và Trung tâm trực thuộc.
Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đánh giá: Những năm gần đây, việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ ở nước ta ngày càng trở thành xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn và mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, lợi nhuận tốt, được thị trường ưa chuộng.
Ưu điểm hơn hết đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho ra đời những sản phẩm an toàn, mang lại lợi ích đối với sức khỏe của con người; đồng thời, còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế… Ðây cũng là chủ trương lớn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền và địa phương trong cả nước.
Tại Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/6/2020 đã phê duyệt Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy vẫn có những hạn chế, bất cập nảy sinh, nhất là trong việc xây dựng thương hiệu nông sản. Do đó, rất cần có sự chỉ đạo của Nhà nước, sự chung tay của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cũng như của cả cộng đồng xã hội.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn thêm một lần nữa được Đảng ta nhấn mạnh. Trong đó có những nội dung quan trọng như: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Thời gian qua, Trung ương Hội NDVN luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia cùng với chính quyền các địa phương trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP và đã được các địa phương đánh giá cao. Cùng với đó, các cấp Hội trong cả nước hiện cũng đang quản lý, vận hành tốt chuỗi 726 cửa hàng tiêu thụ nông sản. Hàng năm, thông qua hệ thống chuỗi các cửa hàng này, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc quảng bá, kích cầu, lưu thông hàng hóa nông sản cả đầu vào và đầu ra rất hiệu quả.
“Chương trình hợp tác: “Tăng cường năng lực cho nông dân quy mô nhỏ phát triển nông nghiệp hữu cơ” giai đoạn 2022- 2024 giữa Trung ương Hội NDVN và Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam là cần thiết và phù hợp. Tới đây, trong hoạt động phối hợp cần tập trung triển khai thực hiện một số công việc và nội dung cụ thể, trên cơ sở phát huy tốt được những thế mạnh của các bên”- Người đứng đầu cơ quan Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
|
TSKH. Hà Phúc Mịch- Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam bày tỏ mong muốn chương trình phối hợp giữa hai bên phát huy được những kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho hội viên, nông dân |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng nhau thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như bàn thảo về một số nội dung chính trong chương trình phối hợp giữa hai bên. Theo đó, các ý kiến cũng nhất trí cao việc lựa chọn một số nội dung cụ thể, quan trọng để tập trung triển khai làm điểm tại một số mô hình, thành công rồi sẽ tiếp tục nhân rộng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn giao cho Ban Kinh tế Trung ương Hội NDVN làm đầu mối chính, cùng với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam sớm nghiên cứu, tham mưu và hoàn thiện chương trình phối hợp giữa hai bên để chuẩn bị cho buổi ký kết có thể sẽ diễn ra ngay trong tháng 4/2022.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp do Hội Nông dân Việt Nam đề xuất thành lập vào năm 2012. Sau hơn 10 năm hoạt động, Hiệp hội đã có khoảng 300 hội viên là công ty, tổ chức và cả các cá nhân, nhà khoa học tâm huyết với Nông nghiệp hữu cơ, hơn 2.000 hội viên nông dân PGS đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Diện tích nông nghiệp hữu cơ ở nước ta vẫn còn khiêm tốn, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Ninh Thuận… Hiện nay, sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước như: Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Nga…
Theo thống kê, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số các quốc gia có diện tích nông nghiệp hữu cơ ở Châu Á. |