|
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định bày tỏ sự vui mừng trước những thành tích nổi bật của tỉnh Sơn La đạt được thời gian qua |
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cũng bày tỏ sự vui mừng và ghi nhận những thành tích nổi bật của tỉnh Sơn La đạt được thời gian qua. Với sự chuyển mình mạnh mẽ, Sơn La đã và đang vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
“Có được những kết quả này trước hết phải đánh giá cao việc cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và công tác Hội ND nói riêng. Thông qua những hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy kinh tế hợp tác; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; tập trung vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu... đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh”- Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định khẳng định.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đã thông tin nhanh về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian gần đây. Theo đó, tỉnh rất chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp. Có thể nói tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh là rất lớn bởi địa phương có khá nhiều điều kiện thuận lợi về: Vị trí địa lý; khí hậu thổ nhưỡng; diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phù hợp với loại hình canh tác, chăn nuôi nhiều giống cây, con đặc sản.
Hiện, bà con nông dân trong tỉnh đang canh tác đa dạng nhiều loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như: Xoài, nhãn, mận, mơ, sơn tra, chanh leo, bơ; cây ăn quả có múi (bưởi Diễn, bưởi da xanh, một số giống bưởi địa phương khác); các giống cam (cam đường Canh, cam V2, cam V1, cam sành); các giống quýt của địa phương (quýt Chiềng Cọ, Chiềng Yên, hay giống mới (quýt Thái Lan)...
Bên cạnh đó, Sơn La còn có diện tích khá lớn để canh tác các loại cây công nghiệp và cây lương thực như: Cà phê, chè, mía, sắn, ngô, lúa, rau màu... Các sản phẩm chăn nuôi gồm: Thịt hơi xuất chuồng, trứng, sữa, mật ong... và các sản phẩm thủy sản cho thu hoạch quanh năm.
Toàn tỉnh hiện có 83 sản phẩm OCOP; trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 30 sản phẩm đạt 4 sao; 52 sản phẩm đạt 3 sao.
Tiêu biểu như các sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất; Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; trà xanh mây; hồng giòn sấy dẻo; ống hút tre Bình Mình; gạo nếp tan Ngọc Chiến; trà Sencha; ngọc trai Queenpearl; điểm du lịch Pha Đin top; điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến…. |
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp của Sơn La đã được các cơ quan Trung ương nhận định, đánh giá cao. Sơn La được xem là tỉnh có định hướng, tầm nhìn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2021, tăng trưởng GDP trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đứng top đầu cả nước, đạt mức 7,19%; kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng rõ nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, tập trung cho quy hoạch vùng sản xuất. Dự kiến năm 2022, toàn tỉnh thu hoạch sản lượng quả khoảng 2 triệu tấn, gồm các loại cây ăn quả và cây công nghiệp; trong đó, diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước với hơn 82.000 ha, sản lượng quả bình quân đạt khoảng 400.000- 450.000 tấn/năm.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tìm thị trường đầu ra cho nông sản trong nước và quốc tế. Năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu được 150 triệu USD nông sản ra thị trường 21 quốc gia. Quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông sản thông qua các hội nghị kết nối với các quốc gia, các hội chợ xúc tiến thương mại lớn. Tập trung kêu gọi thu hút đầu tư cho chế biến sâu nông sản, ổn định chuỗi sản xuất từ Hợp tác xã, doanh nghiệp, các tập đoàn lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tỉnh vẫn còn có những khó khăn, trở ngại. Cụ thể như: Do áp lực mùa vụ; khâu sau thu hoạch (bảo quản, đóng gói, chế biến ra sao); vấn đề logistics chưa phát triển tương xứng…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công, áp lực về giá cũng là vấn đề lớn mà tỉnh cần phải có biện pháp khắc phục sớm. Từ đó, tỉnh đã thành lập các Ban chỉ đạo xuất khẩu nông sản; Ban chỉ đạo sản xuất, lo vùng nguyên liệu cung ứng sản phẩm, đảm bảo công suất chế biến cho các nhà máy, tạo sự yên tâm đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban ngành, Hội, đoàn thể trong tỉnh tăng cường sự kết nối với các địa phương cả trong và ngoài tỉnh để đưa nông sản đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thành Công cũng nêu đề xuất với Trung ương Hội NDVN, đó là tăng cường hỗ trợ tỉnh Sơn La tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm và kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ngay từ tháng 4/2022 với các loại sản phẩm như: Xoài, mận, bơ, chanh leo… Các điểm bán hàng của Hội ND tiếp tục tiêu thụ nông sản Sơn La.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các Tuần lễ tiêu thụ nông sản sạch tại Hà Nội, rất mong Trung ương Hội NDVN tích cực hỗ trợ, phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đưa nông sản Sơn La lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đề nghị Trung ương Hội NDVN phối hợp thực hiện những hoạt động giới thiệu, quảng bá nông sản trong chuỗi sự kiện gồm: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 sắp được tổ chức tại tỉnh vào tháng 5 tới đây"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đề nghị.
|
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại buổi làm việc |
Ghi nhận những thành tựu của nông nghiệp Sơn La và tiếp thu những đề xuất của tỉnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cho biết: Hội NDVN sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Sơn La hỗ trợ nông dân giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản. Giao cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn thuộc Trung ương Hội NDVN làm đầu mối xây dựng chương trình phối hợp với tỉnh Sơn La. Theo đó, cần làm tốt việc triển khai phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa nông sản của Sơn La lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, kết nối giới thiệu nông sản của Sơn La với Hội ND 63 tỉnh, thành phố, 57 Trung tâm Hỗ trợ nông dân, 726 cửa hàng tiêu thụ nông sản trên toàn quốc. Phối hợp tổ chức các Hội chợ, triển lãm, tuần lễ giới thiệu nông sản Sơn La ở trong và ngoài nước. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan nghiên cứu các mô hình để giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp Sơn La.
Các Ban, đơn vị Trung ương Hội NDVN phối hợp cùng với tỉnh Sơn La tăng cường những chương trình phối hợp cụ thể, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Từ đó, tạo nên những gương điển hình cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trong toàn hệ thống Hội ND của cả nước.
Đề nghị các cơ quan truyền thông thuộc Trung ương Hội NDVN như: Tạp chí Nông thôn mới, Báo Nông thôn Ngày nay, Cổng Thông tin điện tử Hội Nông dân tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các mô hình, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La. Qua đó, tích cực giới thiệu, quảng bá và góp phần nhân rộng những mô hình hiệu quả cho Hội ND các địa phương.