Tiền Giang: Trồng thứ cây trái ra quá trời, trái to bự bất ngờ, ai cũng trầm trồ, ông nông dân trúng lớn
Ông Lê Văn Chía được nhiều người dân tổ 13, ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) gọi thân thương với cái tên Năm Chía, trồng 5 công vú sữa bơ hồng cơm vàng, bình quân mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
|
Ông Lê Văn Chía đang chăm sóc vườn trồng vú sữa bơ hồng cơm vàng. Nhờ trồng loại trái cây đặc sản này mà gia đình ông Chía thoát nghèo, nhanh vươn lên khá giả |
Nhờ trồng vú sữa bơ hồng cơm vàng-loại trái cây đặc sản này, gia đình ông Lê Văn Chía (xã An Hữu, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) vươn lên khá giàu, ổn định cuộc sống, được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
Ông Chía "bén duyên" với cây vú sữa bơ hồng cơm vàng hết sức tình cờ. Ông cho hay, cách đây 18 năm, trong một dịp ông sang nhà của một người bạn ở xã An Hữu để chơi. Khi đó, trước cửa nhà của người bạn có trồng 2 cây vú sữa được chiết ở chùa Kim Tiên (ấp 1, xã An Hữu) có trái to, đẹp.
Do người bạn của ông mua máy xới đất ruộng, vào trong sân nhà rất khó khăn, nên muốn đốn bỏ 2 cây vú sữa này.
Nghe vậy, ông Chía kêu người bạn chiết nhánh bán cho ông. Năm 2003, ông đốn bỏ 5 công cam sành và bưởi lông Cổ Cò để trồng vú sữa bơ hồng cơm vàng cho đến bây giờ. Đến năm 2014, ông Chía đăng ký và được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang cấp bằng vú sữa bơ hồng cơm vàng nhãn hiệu bảo hộ độc quyền "Vú sữa Năm Chía".
Ông Chía cho biết: Vú sữa bơ hồng cơm vàng cho trái rất sai, chỉ 2 - 3 trái cân nặng hơn một ký. Hiện tại, vườn vú sữa đang chuẩn bị thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 8 tấn trái, được các thương lái, siêu thị đặt cọc trước với giá 50.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, ông Chía thu lãi hơn 350 triệu đồng.
So với các loại vú sữa khác thì trái vú sữa bơ hồng cơm vàng của ông Năm Chía trái to gấp rưỡi, vỏ mỏng, cơm dày, thịt ngon, ngọt thanh, mềm và có vị béo giống như bơ. Do vậy, giá bán vú sữa bơ hồng cơm vàng của ông Chía cao hơn gấp đôi so với những giống vú sữa thông thường. Giống vú sữa này đã đạt giải Nhì tại "Hội thi trái ngon - an toàn và củ quả lạ quý hiếm Đồng bằng sông Cửu Long - Cần Thơ năm 2013".
Để không bị thất thu do côn trùng cắn phá trái vú sữa, ông Chía đã áp dụng phương pháp bao trái.
Ông chia sẻ: Bao trái vú sữa để không bị con ruồi vàng tấn công, ít phun thuốc hóa học, bảo đảm trái được an toàn, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái, bạn hàng ưa chuộng.
Theo ông Chía, loại vú sữa bơ hồng cơm vàng này rất dễ trồng, sản lượng cao, nếu trồng nhánh chiết đến khoảng 2 năm rưỡi thì cây bắt đầu cho trái, đến năm thứ 6 có thể đạt sản lượng 2 tấn trái/công.
Cây vú sữa bơ hồng cơm vàng rất khỏe, ít sâu bệnh so các loại vú sữa truyền thống khác. Khi chín, vỏ trái vú sữa nổi lên màu hồng nhạt pha lẫn một ít màu xanh ngọc chìm, nhìn rất đẹp nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Vì vậy, trồng giống vú sữa bơ hồng cơm vàng mang lại hiệu quả rất cao cho người nông dân.
Hiện ông Chía đang nhân giống vú sữa bơ hồng cơm vàng cho các nhà vườn cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân khi có nhu cầu.
Mỗi năm, ông Chía chiết vài ngàn nhánh giống vú sữa bơ hồng cơm vàng, bán với giá 50.000 đồng/nhánh.
"Khi cây vú sữa bơ hồng cho trái ổn định, cần bón phân hợp lý trong các giai đoạn phát triển của cây. Tốt nhất là bón phân hữu cơ hoai mục. Rễ cây vú sữa bơ hồng cơm vàng ăn cạn, nên mùa nắng, người trồng chú trọng ủ gốc, giữ ẩm cho cây. Để cây vú sữa ra trái sai, vào cuối tháng Chạp thì rải phân, tưới nước" - ông ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) Chía chia sẻ.