Bạc Liêu: Phát huy hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn
11:00 - 31/12/2019
(MTNT) - Để phát huy vai trò của Hội ND các cấp, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh luôn hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn. Các cấp Hội chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn cụ thể hóa trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân gắn với hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội thường xuyên gắn nội dung bảo vệ môi trường với việc xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, đơn vị và đạt được hiệu quả tích cực

 
Theo đó, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng và nhiệm vụ bảo vệ môi trường chung của toàn tỉnh. Chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành Hội phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường cùng cấp xây dựng kế hoạch cụ thể; phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường thông qua những việc làm thiết thực, phù hợp với phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

 
Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tập trung hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân lựa chọn những phần việc cụ thể để đăng ký thi đua. Trong đó, quan tâm tới việc khuyến khích giảm thiểu những tác hại do hoạt động sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường của các cấp Hội đã đạt được một số kết quả quan trọng.

 
Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp Hội đặc biệt chú trọng thực hiện. Tỉnh Hội thường xuyên tổ chức ra quân triển khai các hoạt động cụ thể để hưởng ứng các đợt cao điểm tuyên truyền về bảo vệ môi trường như: Trồng cây xanh; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; dọn vệ sinh tại các khu vực, địa bàn tập trung đông dân cư ở nông thôn... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân; đồng thời, chuyển hóa thành hành động cụ thể để đông đảo người dân nông thôn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

 
Kết quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 186 buổi tuyên truyền cho trên 9.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Nội dung tập trung chủ yếu gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 26- NQ/TƯ "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Quyết định số 491 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; cách xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng; hướng dẫn sử dụng phân bón đúng cách trên cây trồng…

 
Đồng thời, các cấp Hội còn tích cực phối hợp và tổ chức 115 lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức cho hội viên, nông dân về vấn đề nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn gắn với việc xây dựng thực hiện mô hình “Vườn, nhà xanh - sạch - đẹp”.

 
Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên tổ chức cho các hộ hội viên, nông dân đăng ký cam kết thực hiện 6 nội dung về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phát động tại mỗi cơ sở Hội một việc làm cụ thể để cùng tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả như: Thu gom rác thải trong thôn, xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc BVTV; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây; xây dựng tuyến đường không có rác thải...

 
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 30 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường” với trên 5.000 thành viên tham gia; xây dựng 82 Tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường và 72 mô hình sản xuất nông nghiệp bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, các loại bao, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 580 hố rác tự hoại tại các gia đình; xây dựng mô hình sử dụng thùng chứa rác hữu cơ ủ phân compost cho 210 hộ nông dân ở huyện Vĩnh Lợi và thành phố Bạc Liêu…

 
Điển hình như dự án xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia xử lý phụ, phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường” được Hội ND tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn xã Long Thạnh- huyện Vĩnh Lợi với 10 hộ hội viên, nông dân tham gia làm điểm đã đạt những kết quả tích cực.

 
Theo đó, Ban Quản lý dự án đã hỗ trợ 10 bộ dụng cụ phục vụ ủ rác thải, 30 kg chế phẩm trichoderma cho các hộ triển khai điểm trình diễn trong việc xử lý phụ, phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp (bã mía, rơm rạ, mùn, thân cây xanh, lá cây khô, phân gia súc, gia cầm…) thành phân hữu cơ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 80 cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn và hỗ trợ 240 kg chế phẩm trichoderma giúp các hộ xử lý rác dễ phân hủy ngay tại hộ gia đình để trở thành nguồn phân hữu cơ có ích, đem bón trên cây trồng cho hiệu quả và năng suất vượt trội.
 

Tỉnh Hội cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lắp đặt 16 hầm biogas cho 16 hộ nông dân ở xã Vĩnh Hưng A- huyện Vĩnh Lợi. Đồng thời, thực hiện việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường gắn với nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, phát động hội viên, nông dân sử dụng công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

 
Thông qua những hoạt động phong phú được triển khai, các cấp Hội thường xuyên gắn nội dung bảo vệ môi trường với việc xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, đơn vị. Một số đơn vị đã triển khai các mô hình rất tốt, tiêu biểu như: Xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A- huyện Hồng Dân; xã Vĩnh Thanh, Phong Thạnh Tây A- huyện Phước Long; xã Vĩnh Bình- huyện Hòa Bình; xã Vĩnh Tuy, Hiệp Thành- thành phố Bạc Liêu; xã Châu Thới, Châu Hưng A- huyện Vĩnh Lợi; xã Phong Tân- huyện Giá Rai; xã Định Thành, An Trạch- huyện Đông Hải...

 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình nông dân tự quản bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình hiệu quả để thu hút hội viên, nông dân tham gia; góp phần giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức và cùng tham gia bảo vệ môi trường.

 

Trần Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn