Phục hồi cảnh quan rừng
10:21 - 05/12/2019
Mô hình nông lâm kết hợp được triển khai tại hai huyện Krông Bông và Lắk (Đắk Lắk). Kết quả triển khai bước đầu, các mô hình thích nghi, sinh trưởng tốt.
Các chuyên gia nghiên cứu tham quan mô hình nông lâm kết hợp.

Trong bối cảnh diện tích rừng lưu vực sông Sêrêpốk ngày càng bị thu hẹp, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu tìm phương án phục hồi cảnh quan rừng gắn với sinh kế của người dân.

Sau 2 năm nghiên cứu, đầu mùa mưa năm 2019, Tropenbos Việt Nam phối hợp UBND huyện Krông Bông hỗ trợ giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho 20 hộ dân các xã Hòa Phong và Khuê Ngọc Điền trồng hơn 23.000 giống cây bản địa (cây sưa đỏ và cây gáo vàng) với trong diện tích gần 49 ha.

Hình thức, trồng xen với cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả hoặc vườn cà phê cho năng suất không cao. Sau hơn 1 tháng xuống giống, cây rừng thích nghi và sinh trưởng khá tốt với tỷ lệ sống đạt trên 85%, đã phát triển thêm 1-2 cặp lá.

Anh Đặng Văn Thịnh (thôn 1, xã Hòa Phong), một trong những hộ tiên phong đăng ký trồng 4,5 ha gáo vàng trên diện tích vừa khai thác keo lai cho biết, nếu thành công, anh sẽ tiếp tục nhân rộng và hướng dẫn bà con trong vùng cùng thực hiện.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Minh (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã trồng hàng nghìn cây Gáo vàng và sưa đỏ do Tropenbos hỗ trợ trên diện tích 2,5 ha. Anh dự định sau khi các loại cây rừng phát triển ổn định, nghiên cứu trồng thêm các loại cây dược liệu bản địa tạo thêm thu nhập trên diện tích hiện có.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, đầu ra cho cây lâm nghiệp hiện nay rất rộng, nhất là trong điều kiện nguồn gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt. Với các loại gỗ thông thường như gáo vàng, giá thu mua tại nhiều địa phương đang ở mức trên 2 triệu đồng/m3.

10-47-07_nh_thinh_trong_cy_bn_di_tren_dien_tich_dt_vu_khi_thc_keo
Anh Thịnh trồng cây bản địa trên diện tích đất vừa khai thác keo.

Đối với các loại gỗ nhóm IIA như cẩm lai, giáng hương, trắc, sưa… tuy thời gian sinh trưởng chậm hơn, song giá trị về gỗ rất cao, gấp hàng chục lần cây gáo vàng. Nếu muốn thu hoạch sớm, người dân có thể bán dưới dạng cây di thực để trồng làm cảnh quan tại các khu dân cư, khu đô thị, đường giao thông…

Bên cạnh đó, nhờ cách thức trồng xen canh hợp lý với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu, người dân vẫn được đảm bảo thu nhập hằng năm vì cây rừng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của các loại cây khác và hầu như không tốn công chăm sóc.

HUỲNH QUANG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn