Phát triển cảng thủy nội địa phục vụ du lịch góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển các cảng thủy nội địa phục vụ du lịch tại các khu vực động lực du lịch như: Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam, Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu – Cần Thơ…
|
Ảnh minh họa |
Đây là mục tiêu Bộ Giao thông vận tải nêu tại dự thảo Đề án phát triển cảng thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch.
Cụ thể, đến năm 2025: Đường thủy nội địa đảm nhận 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng khách qua cảng đạt 9,5 triệu lượt. 50% số lượng cảng thủy nội địa phục vụ du lịch được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn xếp loại dịch vụ và đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ 3 - 5 cảng thủy nội địa. Đến năm 2030: Đường thủy nội địa đảm nhận 55 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng khách qua cảng đạt 20 triệu lượt. 100% số lượng cảng thủy nội địa phục vụ du lịch được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn xếp loại dịch vụ và đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ 5 - 10 cảng thủy nội địa.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng cảng thuỷ nội địa phục vụ phát triển du lịch. Cụ thể: Khuyến khích nâng cấp các bến đường thủy nội địa phục vụ du lịch tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, có lưu lượng khách du lịch lớn thành cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch.
Khu vực phía Bắc: Ưu tiên đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch tại các địa điểm du lịch tâm linh (Chùa Hương, Bái Đính…), du lịch biển đảo (Tuần Châu, Cẩm Phả…) và du lịch lòng hồ (hồ Núi Cốc, hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La…). Khu vực miền Trung: Ưu tiên đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch tại các danh lam, thắng cảnh mang tầm quốc tế (Phong Nha - Kẻ Bàng, sông Hương….) và du lịch sinh thái, biển đảo (Cù lao Tràm, đảo Lý Sơn…). Khu vực phía Nam: Ưu tiên đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch sinh thái, sông nước (sông Tiền, sông Hậu, sông Sài Gòn...) và du lịch lòng hồ (hồ thủy điện Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An...).
Bên cạnh đó, đảm bảo xây dựng đủ các khu chức năng phục vụ hành khách thông thường và hành khách du lịch tại các cảng đường thủy nội địa phục vụ du lịch xây dựng mới như: nhà vệ sinh, quầy bán vé, khu dịch vụ thương mại… Phát triển các cảng du lịch 4 sao, 5 sao tại các vùng trọng điểm du lịch. Rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng đường thủy nội địa, đảm bảo bố trí tối thiểu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách (gồm cả hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em). Từng bước bố trí các khu chức năng phục vụ khách du lịch của cảng thủy nội địa độc lập đối với các khu chức năng khác (khu phục vụ hành khách thông thường, hàng hóa, thủy sản…) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Kết nối cảng thủy nội địa hành khách với đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất giải pháp kết nối giữa cảng thủy nội địa hành khách với đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không bao gồm: Hoàn thiện hệ thống đường bộ kết nối tới các cảng thủy nội địa phục vụ du lịch đảm bảo lưu thông thuận tiện, an toàn; tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kết nối tại các cảng thủy nội địa như bãi đỗ xe cá nhân, bãi đỗ xe du lịch, điểm đầu cuối xe buýt. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kết nối đa phương thức tại các cảng đường thủy nội địa ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển như: Quảng Ninh (Hạ Long), Hải Phòng (đảo Cát Bà), Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế (Chân Mây), thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang (đảo Phú Quốc).
Giải pháp kết nối tuyến vận tải: Ưu tiên bố trí các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối cảng thủy nội địa với các đầu mối vận tải khác như bến xe, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển. Giải pháp kết nối công nghệ thông tin: Phát triển các ứng dụng thông minh kết nối vận tải đa phương thức, kết nối với các địa điểm du lịch (bao gồm: ứng dụng đặt vé cho khách du lịch, ứng dụng tìm đường cho khách du lịch...) phục vụ khách du lịch đi lại thuận tiện, hiệu quả và an toàn...
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.