An Giang: Đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn
09:46 - 02/04/2018
(MTNT) – Trong 5 năm qua (2012- 2017), Hội ND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Hội ND cơ sở phối hợp cùng các ngành chức năng trên địa bàn thực hiện nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Những tuyến đường nông thôn phong quang, sạch đẹp, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi |
Hàng năm, các cấp Hội luôn tích cực tham gia hưởng ứng những ngày kỷ niệm như: Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn bằng nhiều việc làm cụ thể và thiết thực. Điển hình như: Tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và chất thải trong sản xuất, chăn nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; treo băng- rôn tại trụ sở cơ quan nhằm bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay…
Các cấp Hội đẩy mạnh việc khuyến khích hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, còn tích cực chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu; giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, các cấp Hội trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức được 17 lớp tập huấn cho 1.287 lượt người tham dự, thành phần gồm lực lượng tuyên truyền viên là cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư được tổng số 260 cuộc với 7.650 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Thông qua 1.176 cuộc sinh hoạt trong các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, đã có 35.280 lượt thành viên được nghe phổ biến về: Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 26- NQ/TƯ "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Quyết định số 491 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020….
Các cấp Hội còn tổ chức in ấn và cung cấp 35.280 tờ bướm các loại có nội dung tuyên truyền về môi trường và Luật môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh được biết. Ngoài ra, Hội phối hợp mở 3 lớp tập huấn các kỹ năng tuyên truyền về an toàn khi sử dụng điện sáng và tiết kiệm điện cho 100 cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; qua đó, góp phần làm giảm bớt lượng khí thải CO2 và chất thải độc hại gây ô nhiễm ra môi trường.
Đáng chú ý, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp và xây dựng được một số mô hình bảo vệ môi trường, bước đầu đem lại hiệu quả. Điển hình như dự án “Hội ND tham gia thu gom phân loại túi ni- lon khó phân hủy, sử dụng sản phẩm thay thế bảo vệ môi trường nông thôn” được triển khai tại địa bàn xã Mỹ Khánh- huyện Long Xuyên với tổng kinh phí thực hiện dự án là 184 triệu đồng.
Dự án đã tổ chức 01 lớp tập huấn có 100 người tham dự; thành lập 04 Câu lạc bộ “ND nói không với túi ni- lon” với 300 thành viên đăng ký tham gia, đã tổ chức được 16 lần sinh hoạt CLB với tổng số 1.600 lượt người tham dự. Dự án còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với 12 kỳ phát sóng trên Đài truyền thanh của xã, có 6.084 lượt hộ được nghe tuyên truyền; trang bị 300 làn nhựa và 300 sọt đựng rác cho 300 thành viên nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni- lon trên địa bàn.
Quá trình triển khai dự án, đã thành lập được 2 Tổ thu gom rác có 7 thành viên và trang bị cho mỗi người 2 bộ đồ bảo hộ lao động gồm: Quần, áo, giày, khẩu trang, bao tay, nón và áo dạ quang… Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ 16 thùng chứa rác có dán logo của Hội, đem đặt cố định dọc theo các tuyến đường trong xã; trang bị 4 xe hon đa và thùng để đi thu gom và vận chuyển rác thải của 4 ấp trong xã rồi đưa ra ngoài bãi tập trung. Bình quân, 2 Tổ tiến hành đi thu gom được từ 1,7- 2 tấn rác thải/ngày, tổng lượng rác thu gom trong 6 tháng đạt khoảng 306 tấn. Mô hình này hiện được địa phương duy trì thường xuyên và đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Hay như dự án “Mô hình Hội ND thu gom, vận chuyển, xử xý rác thải sinh hoạt tuyến dân cư bảo vệ môi trường nông thôn” được triển khai trong năm 2017, với tổng kinh phí 158 triệu đồng. Dự án đã tổ chức được 01 lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức cho 100 cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã được 6 kỳ, với 5.700 lượt hộ được phổ biến kiến thức.
Đồng thời, dự án cũng đã trang bị thùng đựng rác tại 119 điểm nằm dọc theo 2 tuyến dân cư thuộc ấp Hòa Long và Hòa Tân- xã Định Thành- huyện Thoại Sơn, với tổng chiều dài 11 km2. Bằng cách làm này đã tạo điều kiện dễ dàng cho các hộ dân bỏ rác tập trung, đúng nơi quy định. Tiếp theo đó, sau khi tập kết rác thải của 16 thùng rác gom về, sẽ thực hiện việc xử lý rác bằng men vi sinh Trichodexma, giúp phân hủy rác nhanh và hiệu quả hơn.
Hội đã hỗ trợ 32 kg men vi sinh Trichodexma; 02 bộ đồ bảo hộ lao động; xe hon đa và 01 thùng chứa lớn giúp thuận lợi trong việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt của 950 hộ dân tại 2 ấp đến nơi tập kết rác. Bình quân mỗi ngày, 2 nhân công thu gom được 1,5 tấn rác thải, tổng lượng rác thu gom trong 2 tháng đạt 90 tấn. Thông qua 16 mô hình ứng dụng men vi sinh Trichodexma, trong 2 tháng đã xử lý được 2,4 tấn rác hữu cơ; nhờ đó góp phần giảm được một lượng lớn rác thải ra môi trường.
Ngoài ra, còn có mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp được triển khai tại 4 xã của huyện Phú Tân đã giúp thu được 1.629 kg rác thải nông nghiệp; trong đó, có 25.590 chai nhựa và 50.725 bao bì đựng thuốc. Các cấp Hội còn vận động được 10.000 hộ gia đình nông dân ở cơ sở đăng ký “hộ cam kết tham gia thực hiện bảo vệ môi trường”...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã tổ chức được 150 lớp tập huấn cho 4.500 lượt hội viên, nông dân tham dự và phổ biến về kỹ thuật sản xuất theo các nguyên tắc: 3 giảm- 3 tăng; 1 phải- 5 giảm; trồng lúa ứng dụng công nghệ sinh học (không sử dụng phân bón, thuốc BVTV, trồng hoa ven bờ ruộng nhằm dẫn dụ thiên địch)... Tổ chức 1.210 cuộc hội thảo với 10.000 lượt nông dân tham dự để hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV; đồng thời, vận động hội viên, nông dân sử dụng rơm rạ để trồng nấm nhằm tiết kiệm vật tư, thuốc BVTV. Nhờ đó, vừa giúp tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống, vừa giúp hạn chế dần tình trạng xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.
Có thể thấy, từ những hoạt động thiết thực nêu trên đã có sự tác động rất lớn đến ý thức, nhận thức và việc làm cụ thể giúp bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Bình Phục