|
Ruộng mía của ông Hồng áp dụng cách trồng phù hợp để đưa cơ giới đồng bộ từ khâu trồng tới chăm sóc mía. Ảnh: Hoàng Sơn |
Cùng với sản xuất theo hướng công nghệ cao, để giải quyết bài toán lao động, tại vùng trồng mía nguyên liệu thuộc xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), nhiều nông dân đã tự tìm tòi, học hỏi để cải tiến các thiết bị máy móc vào việc chăm sóc cho cây mía, từ đó giảm áp lực phải thuê lao động.
Vùng mía xã Quảng Sơn hiện có tổng diện tích khoảng 823ha. Cơ giới hóa đã được nông dân ở đây áp dụng từ khâu trồng tới chăm sóc mía (cày, bón phân, phun thuốc...). Việc sử dụng máy móc đã giảm được khoảng 33 - 47% chi phí so với thuê lao động.
Để trồng 1ha mía, nếu thuê lao động phải cần khoảng 30 công (chi phí dao động 200.000 - 300.000 đồng/công tùy khu vực), ngoài ra cần thêm 1 lượt cày rạch hàng với giá 1,5 triệu đồng/ha, như vậy tổng chi phí sẽ từ 7,5 - 10,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu trồng bằng máy thì chi phí chỉ khoảng 5 - 5,5 triệu đồng/ha, giảm từ 2,5 đến 5 triệu đồng/ha.
Hộ ông Nguyễn Hồng tại xã Quảng Sơn đã có kinh nghiệm trồng mía hơn 20 năm và đã áp dụng cơ giới vào trồng và chăm sóc cây mía được hơn 10 năm nay. Với diện tích 5ha, ông Hồng trồng mía hàng đôi với quy cách hai hàng đôi cách nhau 1,5 - 1,6m, giữa mỗi hàng đôi hàng cách hàng 0,4m. Khoảng cách giữa hai hàng đôi 1,5 - 1,6m vừa cho một chiếc máy cày nhỏ đi lọt giữa hàng để thực hiện việc cày ra và cày vô cho mía.
Ông Hồng cho biết, việc sử dụng máy đã giúp giảm được rất nhiều chi phí trồng mía, chủ động được thời gian cày, chăm sóc không phụ thuộc vào công lao động. Một năm chỉ cần tập trung làm 1 - 2 tháng mùa mưa, thời gian còn lại làm việc khác. Tuy trồng mía chưa đem lại thu nhập cao so với các cây trồng khác, nhưng với việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã giảm được chi phí đầu vào, từ đó tăng được lợi nhuận so với làm thủ công trước kia, ngoài ra còn có nhiều thời gian nông nhàn hơn để làm việc khác để có thêm thu nhập.
Với phương pháp canh tác mía hiện nay tại xã Quảng Sơn, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân sẽ tiến hành đốt lá mía, như vậy sẽ làm mất đi một lượng hữu cơ vô cùng lớn cho ruộng mía. Ngoài ra, sau khi đốt lá mía, đất sẽ bị chai cứng và cỏ dại sẽ phát triển nhiều hơn, từ đó tăng chi phí phân bón và thuốc trừ cỏ.
Riêng ông Nguyễn Hồng để lá mía lại sau thu hoạch giúp bổ sung nguồn hữu cơ, giữ ẩm cho đất, giúp đất tơi xốp và giảm được chi phí thuốc trừ cỏ. Trong quá trình cày bón phân cho mía, lá mía được vùi xuống dưới đất giúp nhanh phân hủy, tạo nguồn phân hữu cơ cho đất.
Từ việc áp dụng mô hình cơ giới vào sản xuất, sử dụng lại nguồn lá mía sau thu hoạch, mỗi năm ông Hồng giảm được 20 - 25% lượng phân bón so với những hộ canh tác theo truyền thống.
Mô hình cơ giới hóa và sử dụng nguồn lá sau thu hoạch làm nguồn phân bón hữu cơ trong sản xuất mía đã giúp giảm được chi phí lao động, giảm chi phí phân bón, đem lại lợi nhuận cao hơn 7,2 - 9,8 triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống. Mô hình canh tác này đang được khuyến cáo và nhân rộng trên vùng nguyên liệu mía tại huyện Ninh Sơn và cho toàn tỉnh Ninh Thuận. |