|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn GFANZ sẽ chủ động tham gia dẫn dắt quá trình thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Chào mừng bà Alice Carr và đoàn công tác đến thăm, làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng nhắc lại một số nội dung trao đổi với bà Alice Carr về các giải pháp, lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như những công việc mà Việt Nam đã triển khai.
"Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ càng, vấn đề là lựa chọn các dự án cụ thể để thực hiện đem lại hiệu quả, thiết thực", Phó Thủ tướng nói và mong muốn GFANZ sẽ chủ động tham gia dẫn dắt quá trình thực hiện net zero, JETP.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, là định hướng phát triển mới cho nền kinh tế. Tài chính, cùng với công nghệ, nguồn nhân lực là 3 yếu tố quan trọng nhất đối với chuyển đổi năng lượng. Do vậy, các định chế tài chính cần cải cách, thay đổi về tổ chức, phương thức, mục tiêu hoạt động… để phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng hiện nay.
Hiện Việt Nam đã có các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với công suất khoảng 9.000 MW. Trong Quy hoạch Điện VIII cũng dành không gian rất lớn cho năng lượng tái tạo, trong đó, có kế hoạch xây dựng một số trung tâm điện gió ngoài khơi, phát triển điện mặt trời áp mái, xây dựng lưới điện thông minh, bảo đảm sự cân bằng và ổn định của hệ thống năng lượng, khuyến khích tự sản xuất và tiêu thụ điện mặt trời tại chỗ…
Một số doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được giao thực hiện thí điểm một số dự án chuyển đổi năng lượng để hoàn thiện công nghệ, thể chế, chính sách đầu tư, công nghệ… và các vấn đề liên quan. Bên cạnh năng lượng, Việt Nam cũng ưu tiên cho các dự án chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực khác, như giao thông, nông nghiệp…
Phó Thủ tướng cho rằng, cần có tầm nhìn trung hạn, dài hạn cho các dự án chuyển đổi năng lượng tái tạo với nguồn tài chính bền vững để giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm khi giảm dần sử dụng năng lượng hoá thạch; giúp doanh nghiệp vững tâm thực hiện chuyển đổi xanh. Hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo không chỉ đối với nhà đầu tư, mà còn có lợi cho các mục tiêu toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quan tâm đến hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về năng lượng tái tạo, nhiên liệu mới; mong muốn GFANZ chuyển giao kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo tại các nước đang phát triển, từ đó, thiết lập hình thức kết nối, hợp tác hiệu quả với Việt Nam.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, bà Alice Carr đánh giá cao việc Việt Nam đã ban hành Quy hoạch Điện VIII làm căn cứ để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong net zero, JETP.
Bà Alice Carr khẳng định, sự tham gia của GFANZ và các định chế tài chính thành viên là rất quan trọng để đưa ra kế hoạch cụ thể, ưu tiên trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh.
Chia sẻ với các vấn đề được Phó Thủ tướng nêu ra, bà Alice Carr cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ nhằm nhanh chóng hình thành khung chính sách tài chính toàn cầu để thúc đẩy JETP.
"GFANZ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, xác định lĩnh vực ưu tiên, trên cơ sở những lợi thế so sánh riêng có, như phát triển lưới điện thông minh, điện gió ngoài khơi, nghiên cứu công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng nhiên liệu mới…", Giám đốc Điều hành chính sách công của GFANZ bày tỏ.
Bà Alice Carr chia sẻ mong muốn GFANZ được tạo điều kiện tham gia thường xuyên vào hoạt động của Ban Thư ký thực hiện JETP; cũng như các dự án thí điểm về chuyển đổi năng lượng để xác định mô hình, kết cấu hiệu quả, phù hợp nhất trong việc sử dụng nguồn tài chính, có tính cạnh tranh cao nhất, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
GFANZ cũng sẽ dành những khoản tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ về lưới điện thông minh, chuyển đổi năng lượng hoá thạch…