Ngay trong những ngày đón Xuân mới, nhiều tin vui đến với ngành kinh tế trụ cột - ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước hết, đó là những tin vui từ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành. Theo đó, trong năm 2022, toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng GDP đạt 3,36%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD), thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%...
|
“Chúng tôi tranh thủ đầu năm mới được nghỉ, các gia đình trong cùng làng đi cấy hộ nhau. Mọi người sẽ đi từ 6h sáng, nhổ mạ xong sẽ đi cấy đổi công cho nhau” - bà Nguyễn Thị Nghĩa (xã Thuỵ Hưng, huyện Thái Thuỵ) - cho hay. Ảnh: Lương Hà |
Đó còn là tin vui từ việc khai thông đường chính ngạch những thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand,… cho nhiều nông sản chúng ta có lợi thế, như: Sầu riêng, thanh long, bưởi, chanh leo, chanh, chuối, khoai lang, tổ yến,…
Tiếp đó, ngay trong những ngày đầu năm mới, nhiều lô hàng đầu tiên của nông sản Việt cũng lên đường chinh phục thực khách thế giới, như:
Ngày 3/1/2023, Công ty TNHH Hoàng Phát (Hoang Phat Fruit) xuất khẩu chính ngạch lô nhãn (10 tấn) đầu tiên vào Nhật Bản sau 6 năm đàm phán.
Ngày 5/1/2023, UBND huyện Cao Phong phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần RYB, Công ty TNHH MTV Cao Phong đã tổ chức lễ xuất chuyến cam lòng vàng Cao Phong đầu tiên sang Vương quốc Anh, với số lượng gần 7 tấn quả. Trước đó, cuối tháng 12/2022, Hòa Bình cũng đã xuất sang thị trường Anh quốc 11 tấn trái bưởi Diễn của huyện Yên Thủy.
Ngày 15/1/2023, tại xã Nàn Ma, UBND huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) phối hợp với Công ty TNHH Vietnam Misaki (Nhật Bản) tổ chức xuất khẩu 18 tấn củ cải muối sang thị trường Nhật Bản.
Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc, thị trường lớn nhất của nông sản Việt mở cửa hoàn toàn sau 3 năm đóng cửa. Ngay sau đó, nông sản Việt tăng tốc phục vụ thị trường Tết của 1,4 tỷ người (gần 20% dân số thế giới), đặc biệt là sầu riêng và thanh long.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 1 năm 2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, hàng nông sản, lâm sản 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%; hàng thủy sản 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%. Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tăng mạnh ngay những ngày đầu năm (từ ngày 1/1 đến 23/1/2023- mùng 2 Tết), hơn 37.000 tấn hoa quả đã được xuất sang Trung Quốc, với kim ngạch hơn 45 triệu USD.
Thêm nữa, tin vui đến với nhà nông, nhà vườn, chủ doanh nghiệp nông nghiệp khi ngày 06/01/2023, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, thời gian lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến: Toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó có nhiều nội dung đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp hàng hóa, như: Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.
Và mới đây nhất, trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mũi đột phá để tiếp tục hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy liên kết, tư duy gắn kết chuỗi ngành hàng gia tăng giá trị, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư là thành lập mới 1.600 hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2023 cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp như chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường, kết cấu hạ tầng. Và xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực để thúc đẩy sản xuất lớn, phát triển khoa học công nghệ, phát triển vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao theo lợi thế vùng theo xu thế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đó thực sự là những tin vui đối với ngành nông nghiệp nói chung và nhà nông, nhà vườn, chủ doanh nghiệp nông nghiệp và các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản Việt. Từ những tin vui xông đất, chúng ta tin rằng, nông sản Việt có mặt ngày càng nhiều thị trường, nhiều gia đình trên khắp mọi vùng, miền của thế giới.