Nâng tầm chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo
10:23 - 14/06/2022
Tổng Công ty Sông Gianh triển khai dự án liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ với giống lúa ST25 tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), cho nông dân hưởng lợi lớn…

Sau khi đi thực tế trên cánh đồng lúa thuộc xã Quảng Tiến, ông Trương An Ninh, Bí thư Thị ủy thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiếp tục triển khai sản xuất lúa hữu cơ đối với giống lúa ST25 ở xã Quảng Tiên và nhân rộng trên địa bàn các xã, phường trên địa bàn. Qua đó,  đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn trên thị trường. Làm thay đổi nhận thức của người nông dân, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo cho họ tư duy sản xuất tập trung mang tính cộng đồng và hiệu quả cao.

Khi doanh nghiệp chủ động liên kết…

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Tổng Công ty Sông Gianh (Cty Sông Gianh) thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa - gạo hữu cơ tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) với diện tích 26ha.

Cánh đồng triển khai giống lúa ST25 sản xuất hữu cơ tại xã Quảng Tiến. Ảnh: T.P

Cánh đồng triển khai giống lúa ST25 sản xuất hữu cơ tại xã Quảng Tiến. Ảnh: T.P

Quá trình thực hiện mô hình, Cty Sông Gianh cung cấp giống lúa ST25, phân bón hữu cơ các loại, các chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Kỹ sư nông nghiệp Trần Quang Huy là cán bộ được Cty giao nhiệm vụ trực tiếp cùng bà con nông dân bám ruộng đồng để  thực hiện mô hình. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn theo sát diễn biến trên đồng ruộng để tư vấn cho bà con nông dân xử lý sâu bệnh, cách thức sử dụng các loại phân bón theo chu kỳ cây trồng để đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Trên cánh đồng thôn Tiên Phan lúa đã chín tới. Những bông lúa rực vàng và trĩu nặng uốn cong trong nắng. Bà con nông dân ở đây đang chuẩn bị vào vụ gặt rộ. Ông Trần Văn Trực, Trưởng thôn Tiên Phan cho hay, có 102 hộ tham gia liên kết sản xuất với Cty Sông Gianh trên diện tích 26ha. Đây là vụ lúa đầu tiên mà người nông dân ở đây tham gia mô hình liên kết và sản xuất hữu cơ trên giống lúa ST25. “Ban đầu thì chúng tôi cũng bỡ ngỡ với lối canh tác hữu cơ. Nhưng được cán bộ kỹ thuật của Cty “bắt tay chỉ việc” nên bà con cũng nắm bắt và thực hiện được luôn. Nói chung là gặp khó khăn trong cách tiếp cận. Nhưng sau vụ mùa thì ai cũng đã làm thuần thục lắm đó”, ông Trực tâm sự.

Ngồi giữa hai vạt lúa, bà Trần Thị Tam không giấu nổi vui mừng. Bà mừng vì hơn 5 sào lúa sản xuất theo “công nghệ” sạch được mùa hơn mấy vụ trước. Bà nói với chúng tôi: “Tôi nghe thôn đi xác đồng về nói vụ lúa ni năng suất cao khoảng 70 tạ/ha nên mừng lắm. Với lại, khi thu hoạch thì được bên Cty hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường nên tính toán cũng có lãi lớn”. Cũng theo bà Tam thì vụ đầu tiên có được doanh nghiệp hỗ trợ từ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác thì bà con  còn e ngại. Nhưng thấy mấy hộ gặt hôm trước được công ty thu mua lúa ngay tại ruộng thì quá vui rồi. “Mong làm sao phía bên doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ cho bà con để chủ động sản xuất và yên tâm vì đầu ra đã được giải quyết chắc chắn”, bà Tam hy vọng.

Cán bộ kỹ thuật Cty Sông Gianh cùng nông dân kiểm tra đồng lúa trước khi thu hoạch. Ảnh: T.P

Cán bộ kỹ thuật Cty Sông Gianh cùng nông dân kiểm tra đồng lúa trước khi thu hoạch. Ảnh: T.P

Đây không phải là vụ đầu tiên mà phía Cty Sông Gianh triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa với bà con nông dân. Nhiều vụ trước, Cty cũng đã thực hiện nhiều mô hình tại các địa phương  ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vụ đông xuân năm nay, Cty thực hiện liên kết sản xuất với nông dân theo hướng hữu cơ với tổng diện tích trên 120ha tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Trong đó, tại tỉnh Quảng Bình có trên 90 ha ở tại các địa phương của các huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Ngoài giống lúa ST25, Cty còn cơ cấu đưa vào sản xuất các giống khác như ST24, DV108.  Giống lúa DV108 từ nhiều năm nay đã cho thấy năng suất cao. Vụ đông xuân năm nay cũng cho năng suất  bình quân 75 tạ/ha. Năng suất lúa đạt cao, giá thu mua hơn thị trường nên bà con nông dân trong vùng dự án có lãi lớn.

Theo kỹ sư Trần Quang Huy (cán bộ kỹ thuật Cty Sông Gianh), quá trình sản xuất, Cty đã chuyển giao cho bà con sử dụng phân bón NPK cao cấp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Sản phẩm phân bón mới được Cty Sông Gianh nghiên cứu và sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại với nguồn nguyên liệu chất lượng cao, chứa các dinh dưỡng thiết yếu cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng’’, kỹ sư Huy nói.

Nông dân hưởng lợi

Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, Cty Sông Gianh đã bảo lãnh thu nhập tối thiểu cho nông dân ngang giá thị trường cộng thêm 2 giá. (chẳng hạn giá thị trường lúa 7 triệu đồng/tấn thì Cty thu mua  giá 7,2 triệu đồng/tấn) với giống DV 108. Về giá lúa ST25, Cty sẽ thu mua cao hơn giá lúa DV108 từ 20 -30% tùy theo thực tế tình hình tại thời điểm thu mua. Ông Nguyễn Đình Lực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Gianh cho biết:  “Chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ lúa cho bà con nông dân với giá vượt giá thị trường. Hiện, thu mua lúa tươi ngay tại ruộng giống ST25 với mức giá khoảng 7 triệu đồng/tấn”. 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Lực, ngoài hỗ trợ về giá, phía doanh nghiệp  còn đặt hàng bao tải đựng lúa  tặng cho bà con. Chi phí vận chuyển lúa từ chân ruộng về đến điểm thu mua cũng được doanh nghiệp hỗ trợ. Ông Lê Văn Lâm, một nông dân thực hiện liên kết sản xuất vui mừng nói: “Những sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã tạo thêm nhiều thuận lợi, giảm được được chi phí sản xuất và tăng thu nhập trên đồng ruộng. Vì vậy, nông dân chúng tôi mong có thêm nhiều doanh nghiệp cũng cùng chung sức, chung lòng”.

Bà Trần Thị Tam: 'Liên kết làm lúa hữu cơ cho nông dân chúng tôi lãi lớn trên đồng ruộng'. Ảnh: T.P

Bà Trần Thị Tam: “Liên kết làm lúa hữu cơ cho nông dân chúng tôi lãi lớn trên đồng ruộng”. Ảnh: T.P

Dù chỉ mới tham gia làm lúa hữu cơ với Cty Sông Gianh nhưng nhiều nông dân đã thấy được cái lợi ích trong quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Trực, Trưởng thôn Tiên Phan cho biết, sau khi thu hoạch lúa ST25 và bán ngay tại ruộng cho Cty, người nông dân thu được khoảng 50 triệu đồng/ha. “Sau khi trừ chi phí thì phần lãi cũng được gần 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, làm lúa hữu cơ thì đảm bảo được sức khỏe cho bà con, sản phẩm gạo mang lại sức khỏe tốt cho mọi người”, ông Trực nói thêm.

Sau ba năm thực hiện liên kết sản xuất lúa, người dân thị xã Ba Đồn cũng đã quen với những quy trình sản xuất mới, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho hay, định hướng nông nghiệp của địa phương là lấy sự liên kết trên nền tảng sản xuất hướng hữu cơ và tiến tới hữu cơ. Không chỉ liên kết trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, Ba Đồn còn mở rộng liên kết chăn nuôi hữu cơ trên đàn lợn. “Việc xây dựng thành công các mô hình này sẽ mở ra hướng liên kết mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp khi triển khai liên kết sản xuất với bà con nông dân”, ông Đoàn Minh Thọ nói thêm.

Nói về định hướng tới, ông Nguyễn Đình Lực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Gianh cho biết đơn vị sẽ mở rộng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp với nông dân trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Từ sản xuất định hướng hữu cơ, Cty sẽ tăng thêm nhiều mô hình, diện tích canh tác hữu cơ tại các địa phương. “Qua mỗi năm, chúng tôi sẽ mở rộng liên kết và phấn đầu đưa thêm 100 ha vào sản xuất hữu cơ với bà con nông dân. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và từng bước xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Sông Gianh”, ông Lực nhấn mạnh.


Tâm Phùng - Thanh Nga
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn