Chủ động gắn kết các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn với phong trào xây dựng nông thôn mới
15:46 - 12/11/2021
(MTNT) – Thời gian qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh ở khu vực nông thôn giúp cho đời sống của bà con nông dân ngày càng khá giả, nhiều địa phương trở nên trù phú. Ngoài lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản thì nhiều tỉnh, thành phố còn quan tâm đẩy mạnh các ngành nghề đa dạng khác như: Công nghiệp cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu, chế biến, tiểu thủ công nghiệp... Tuy nhiên, chính yếu tố đa dạng nghề nghiệp lại vẫn đang tiềm ẩn những tồn tại cũng như đặt ra thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn của các địa phương.

Trang bị những kiến thức khoa học mới giúp hội viên, nông dân vừa mạnh dạn phát triển sản xuất, vừa tích cực bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả

 
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã chủ động xây dựng kế hoạch, ký kết và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp với Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên gắn nội dung hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình công tác hàng năm và các phong trào thi đua của hội viên, nông dân, nhất là ở cấp cơ sở.

 
Hiện nay, 63/63 đơn vị tỉnh, thành Hội đều đã ký kết chương trình phối hợp với Sở TN&MT cùng cấp. Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng những nội dung hoạt động cụ thể, phù hợp và đề ra những quy định rõ ràng trong vai trò, trách nhiệm của từng ngành.

 
Mặt khác, để có sự đồng bộ, thống nhất đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn hệ thống, Trung ương Hội NDVN ban hành Nghị quyết số 20 về nâng cao trách nhiệm của Hội ND tham gia bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, các cấp Hội trong cả nước đẩy mạnh việc phát động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể, thiết thực.

 
Với sự nỗ lực của các cấp Hội trong cả nước, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước. Nhiều hoạt động đã đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên giúp nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức chung của cả cộng đồng đối với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong cả nước.

 
Để nâng cao ý thức của người dân ở địa bàn nông thôn nói chung và của hội viên, nông dân nói riêng, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động và phong trào thiết thực để bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN.

 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú. Theo đó, để có những hoạt động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức 182 buổi tập huấn, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới cho gần 16.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

 
Cùng với đó, nhiều đơn vị Hội cấp cơ sở đã chủ động xây dựng được quy chế vệ sinh, mô hình Tổ nông dân tự quản "Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp"; phát động triển khai phong trào xây dựng các mô hình “Sạch từ nhà ra ngõ", "Sạch đồng tốt ruộng đẹp quê hương"…

 
Mặt khác, các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kịp thời đưa tin phản ánh về những hoạt động của Hội trong các chiến dịch truyền thông hàng năm; biểu dương kịp thời những gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân; có ý thức giữ gìn vệ sinh gia đình, cộng đồng, thay đổi hành vi vệ sinh môi trường, hình thành nếp ăn ở vệ sinh, gọn gàng sạch sẽ.

 
Ngoài ra, để hưởng ứng những đợt ra quân làm sạch môi trường, các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân tiến hành làm vệ sinh 18.000 km2 đường làng, ngõ xóm; nạo vét khơi thông trên 100.000 m2 rãnh thoát nước; tổ chức thu gom trên 80.000 tấn rác thải trong khu dân cư với 14.200 lượt hội viên tham gia. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân cam kết không đổ rác ra đồng, chân đê (nhất là đối với các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật độc hại), tiến hành phân loại chất thải, xử lý chôn sâu các loại chất thải rắn… coi đây là những công việc thường xuyên của mỗi hội viên, nông dân.

 
Để thực hiện tốt mục tiêu vừa phát triển kinh tế gia đình vừa bảo vệ môi trường đối với các hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn, Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn và hỗ trợ 414 hộ gia đình hội viên, nông dân triển khai mô hình xây dựng và sử dụng hầm khí biogas. Địa bàn triển khai thuộc 04 đơn vị Hội cấp huyện gồm: Thanh Thủy, Hạ Hòa, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì; bình quân mỗi hộ tham gia đều được hỗ trợ 700.000 đồng/hầm biogas.

 
Đáng chú ý, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai xây dựng 269 mô hình bảo vệ môi trường. Nhìn chung, các mô hình đều đang phát huy hiệu quả thiết thực, trở thành những mô hình điểm để các xã, các huyện trong tỉnh đến tham quan học tập. Nhờ đó góp phần xử lý tình trạng ô nhiễm, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn.

 
Nhiều mô hình điển hình mang lại hiệu quả như: Mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của Hội ND xã Bản Nguyên- huyện Lâm Thao và xã Hương Nộn- huyện Tam Nông; xây dựng lò xử lý rác thải mi ni ở xã Thượng Nông- huyện Tam Nông; xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn tại xã Võ Miếu- huyện Thanh Sơn; thu gom phân loại, xử lý rác thải tại xã Chí Đám- huyện Đoan Hùng; xử lý nước thải làng nghề tại xã Hùng Lô- thành phố Việt Trì; nông dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải nông thôn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bảo Yên- huyện Thanh Thủy...

 
Các cấp Hội trong tỉnh còn hướng dẫn thành lập được 59 Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó: 30 Câu lạc bộ nông dân tự quản bảo vệ môi trường nông thôn; 5 Câu lạc bộ thu gom và xử lý rác thải; 4 Câu lạc bộ rau an toàn; 8 Câu lạc bộ nước sạch; 12 Câu lạc bộ chăn nuôi gắn với xử lý hầm Biogas...

 
Thời gian qua, để công tác bảo vệ môi trường nông thôn tập trung vào những nội dung cụ thể, thiết thực, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Gia Lai đã quan tâm và tích cực chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai xây dựng 222 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu”.

 
Các cấp Hội cũng thường xuyên hỗ trợ và vận động hội viên, nông dân xây dựng trên 8.700 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, khuyến khích, giúp đỡ hàng trăm hộ dân trên địa bàn thay đổi dần thói quen cũ, thực hiện việc di dời các chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng như nâng cao sức khỏe cho hội viên, nông dân nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung.

 
Để hướng dẫn bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh vừa phát triển kinh tế, vừa hạn chế việc thải rác bừa bãi ra môi trường, Hội ND tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu như: Mô hình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; phân loại rác thải tại nguồn; thu gom vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… được triển khai tại nhiều thôn, làng và đã cho thấy mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

 
Cụ thể, vào tháng 3/2020, Hội ND tỉnh tập trung triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt” tại làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Theo đó, 30 hộ dân tham gia thực hiện mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải theo hình thức: Rác hữu cơ đem gom ra sau vườn dùng để ủ làm phân bón cho cây trồng; các loại rác thải vô cơ được tập trung lại và sẽ có xe thu gom, định kì sẽ đến thu gom tận nhà người dân rồi mang đi xử lí theo qui định.

 
Cùng với đó, các cấp chính quyền trong xã còn xây dựng và lắp đặt trên 60 thùng chứa bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại nhiều tuyến đường, đồng ruộng. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục giúp nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trên địa bàn về những tác hại nguy hiểm của các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và môi trường sống. Từ đó, giúp bà con có ý thức trong việc thải bỏ những loại rác độc hại này vào đúng nơi quy định.

 
Hội ND tỉnh còn hỗ trợ hướng dẫn và triển khai mô hình “Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh” cũng tại địa bàn làng Hreng với 27 hộ hội viên, nông dân được thụ hưởng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ về vật liệu xây dựng chuồng trại, được tập huấn về cách làm vệ sinh và xử lý các chất thải trong chăn nuôi… Nhờ đó, giúp bà con nâng cao về nhận thức, từ bỏ dần thói quen chăn nuôi thả rông, chăn nuôi dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường như trước đây mà thay vào đó là việc chủ động xây dựng chuồng trại riêng biệt, cách xa nơi sinh sống để giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức khỏe.

 
Ngoài ra, bà con nông dân trong làng Hreng còn được các cấp Hội tổ chức hướng dẫn và tạo điều kiện để tham gia thực hiện mô hình “Nuôi gà mía theo hướng an toàn sinh học”. Qua đó, bà con được cung cấp giống, hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cũng như được phổ biến các kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Cụ thể như: Rải trấu làm nền chuồng; trộn men sinh học vào trấu để giảm mùi hôi và hạn chế các mầm bệnh gây hại cho đàn gà...

 
Mô hình không chỉ giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập mà còn làm thay đổi nhận thức, phương pháp chăn nuôi gà; bà con đã biết tận dụng các phụ phẩm sẵn có trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để tái sử dụng giúp giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, bà con cũng biết cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để giảm thiểu dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, gia tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

 
Có thể thấy, thông qua công tác phối hợp chặt chẽ với ngành TN&MT các cấp đã góp phần giúp Hội ND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai nhiều hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết một số vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn; phối hợp quản lý tốt nguồn tài nguyên; củng cố thêm lòng tin của hội viên, nông dân đối với Đảng, với Nhà nước và tổ chức Hội ND.

Triệu Cúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn