Đại biểu Quốc hội đề nghị nhìn nhận lại vai trò của thương lái trong tiêu thụ nông sản
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Thương lái là cầu nối, là sứ giả giữa người sản xuất và tiêu thụ. Giúp thương lái có nguồn vốn để lưu động, lưu thông cũng là gián tiếp giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi với giá cả hợp lý.
Thương lái là sứ giả giữa người sản xuất và tiêu thụ
Trao đổi tại buổi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 chiều 8/11, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: Về vấn đề thương lái trung gian trong việc tiêu thụ nông sản, tôi nghĩ đây là mắt xích tối ưu. Lâu nay chúng ta thường nghĩ thương lái ép giá nông dân nhưng thực tế thương lái là khâu tiêu thụ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông, phân phối hàng hóa.
Tôi được nghe tư lệnh ngành nông nghiệp nói rất nhiều về thương lái, thương lái là cầu nối cho việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa, thương lái là sứ giả giữa người sản xuất và tiêu thụ.
Qua đó, theo đại biểu Quôc hội tỉnh Đồng Tháp, việc tạo điều kiện cho thương lái hoạt động rộng khắp, giúp thương lái có nguồn vốn để lưu động, lưu thông cũng là gián tiếp giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi với giá cả hợp lý, đôi bên đều có lợi.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, đại biểu Hòa cho hay: Cần chú trọng đến việc liên kết vùng có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và nông dân, các địa phương có cùng điểm tương đồng, đặc điểm ngành hàng với nhau có thể liên kết với nhau, thay vì bó hẹp ở các địa phương.
Không gian phát triển vùng càng lớn thì quy mô kinh tế sẽ lớn hơn.
Chính quyền kiến tạo, nông dân thực hành, doanh nghiệp đảm nhận vai trò dẫn dắt, tư vấn, sản xuất theo hướng chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, tăng giá trị kinh tế.
Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh sinh thái bền vững mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.
Tuy nhiên việc liên kết vùng ra sao? Ai đứng ra liên kết thì chưa biết? giá cả mỗi nơi mỗi khác. Mặt khác sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn diễn ra tự phát, chưa có cầu nối từ Nhà nước nên vẫn còn bấp bênh, hai bên đều không hiểu nhau.
Đại biểu Hòa dẫn chứng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hơn 10% diện tích lúa được liên kết, 90% còn lại nông dân vẫn chật vật tìm đầu ra, thậm chí phải bán tháo để có chi phí trang trải cho mùa vụ.
"Với nền kinh tế thị trường, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu sự hợp tác, thiếu tin tưởng nhau thì nông nghiệp của chúng ta khó mà lớn mạnh được mà sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi có sự cố. Không phải như ngày xưa nông dân bán cái mình có mà bây giờ người dân cần bán những gì mà thị trường đang cần, nếu nông dân hiểu được điều đó thì nông sản Việt sẽ không còn cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa", đại biểu Hòa khẳng định và kiến nghị ngành ngoại giao, ngành công thương cần tích cực tiếp cận thị trường nước ngoài để tư vấn cho nông dân sản xuất có nơi tiêu thụ nông sản thuận lợi, thường xuyên.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, độ phì nhiêu của đất bị cạn kiệt dần, việc chuyển đổi tư duy năng suất sang tư duy kinh tế hướng tới những giá trị xanh đòi hỏi việc tối ưu hóa giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác là rất cần thiết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thay cho việc thâm canh tăng vụ để tăng sản lượng lương thực. Muốn được thế, việc thay đổi tư duy cho nông dân cần được trải nghiệm thực tế.
Vài năm trở lại đây, ĐBSCL có rất nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông dân thực hành hiệu quả có sức lan tỏa cao. Tuy nhiên, với diện tích nông nghiệp rộng nhất nước, sức lan tỏa vẫn chưa nhiều, vẫn còn đại bộ phân nông dân canh tác theo phương thức truyền thống, tư duy sản lượng là chính. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp hàng năm đều tăng nhưng sản phẩm làm ra theo không kịp nên việc nhà nước phải "giải cứu" nông sản là điều khó tránh khỏi.
|
Thương lái đi thu mua lúa cho nông dân ở TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây |
Đại biểu Hòa cho biết thêm, một vấn đề cốt lõi nữa của ngành nông nghiệp là hợp tác xã nông nghiệp, nhiều năm qua, Nhà nước quan tâm đến rất nhiều mô hình hợp tác xã trên các lĩnh vực từ tạo điều kiện cấp ngân sách cho thuê mặt bằng, đào tạo, liên kết doanh nghiệp, nông dân...
Nhưng nhiều hợp tác xã vẫn ì ạch, thị trường tiêu thụ, bao tiêu, các lối ra còn vô vàn khó khăn, sức mạnh mua chung bán chung, giảm chi phí đầu vào, giảm thất thoát, chia sẻ rủi ro mùa vụ cho xã viên là điều cần cho mỗi hợp tác xã.
"Xác định mô hình hợp tác xã nông nghiệp là thiết chế xã hội ở nông thôn thì chúng ta phải xem mô hình này là mô hình kinh tế không thể thiếu của mỗi xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nên các chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước sẽ góp phần tạo động lực cho hợp tác xã phát triển sâu rộng", đại biểu Hòa nói.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường giải ngân vốn đầu tư công cùng lúc thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giao vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong đó có đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm cổ phần hóa thì mới có thể tiến trình cổ phần hóa thuận lợi.
Bộ Giao thông vận tải có quy hoạch chuyên ngành giao thông giai đoạn 2021 – 2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long có một số đường cao tốc như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá, Mỹ An… nhằm giúp cho phát triển kinh tế xã hội của vùng.
20 triệu dân trong vùng đã rất phấn khởi, là tín hiệu lạc quan cho nhu cầu giao thông sau này sẽ rất phù hợp để phát triển nông nghiệp quy mô lớn cho vùng.
"Tuy nhiên, tốc độ phát triển giao thông hiện nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng, rất mong Chính phủ có sự quan tâm, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án này, làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã hứa đầu tư 2 tỷ USD vốn vay cho vùng và rất mong lời hứa trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất!", đại biểu Hòa chia sẻ.