Chuyện làm giàu, làm đường của lão nông ‘gàn dở’
09:42 - 05/05/2021
Cho đến trước khi người dân trong thôn hiểu được những việc ông làm thì họ đều cho ông là “gàn dở”.
Đồi quế tiền tỷ của gia đình ông Lý Tiến Phúc. Ảnh: M.N


Thoát nghèo… từ cây quế

Thôn Bỗng, xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên, Lào Cai) cách trung tâm xã chừng 10 cây số, nơi có tới hơn 70% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây từng là một trong những thôn khó khăn nhất ở Cam Cọn, nhưng nay đang được xã lựa chọn để xây dựng thôn NTM.

Trưởng thôn Đặng Văn Nhất cho biết trước đây bà con chỉ canh tác ngô, sắn, lúa nương nên cái đói, cái nghèo cứ mãi bủa vây. Nhưng nay cuộc sống đã đổi thay từng ngày nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Giờ nhà nào trong cũng có vài ha quế đã đến tuổi cho thu hoạch. Và người đầu tiên đưa cây quế về mảnh đất này là ông Lý Tiến Phúc.

Đưa chúng tôi lên thăm đồi quế gần hai chục ha, ông Phúc bảo giờ mình nhàn rồi, không vất vả như trước, đồi quế này cũng như “của để dành” của gia đình, khi nào cần chi tiêu mới bán. Nhìn đồi quế ngút ngàn vút tầm mặt, chúng tôi hiểu để có được cái sự nhàn ấy, ông Phúc cũng đã phải mất hàng chục năm đổ biết bao mồ hôi công sức vào đây.

Ông Phúc kể, một lần trò chuyện nghe người ta nói người Dao ở Văn Yên (Yên Bái) nhờ trồng quế mà cuộc sống khấm khá, cả vùng ấy chẳng ai nghèo.

Ông Phúc bán tín bán nghi rồi theo một người bạn bắt xe xuống đó để tận mắt thấy tai nghe. Quả thực ở đó cũng toàn đồng bào người Dao như thôn Bỗng mà họ làm ăn giỏi quá, nhà nhà đều trồng quế, làm giàu từ quế.

Trong đầu ông như reo lên, đây là cây sẽ giúp bà con mình thoát nghèo. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, ông dùng hết số tiền mang theo trong chuyến đi ấy mua 10kg hạt quế. Ngày ấy nhà nước không cho lưu thông hàng hóa như bây giờ, hạt quế được xem như hàng cấm. Khi mang lên xe ông bị kiểm soát bắt bỏ lại nhưng sau thấy ông trình bày sự tình họ lại cảm thông, túi hạt quế được ông nâng niu như báu vật...

Tuy nhiên, do chưa nắm được kỹ thuật nên số hạt quế ông gieo bị hỏng mất gần một nửa. Số cây con nảy mầm lên được, ông chăm chút từng ngày rồi mang trồng trên khoảnh đồi đã được phát dọn trước đó định để trồng lúa. Người trong thôn thấy vậy bảo trồng rừng lâu lắm, không được ăn đâu. “Không được ăn thì trồng cho đời con, đời cháu mình hưởng” - ông Phúc nghĩ vậy và cứ lặng lẽ gieo hạt rồi lại trồng đến khi phủ xanh gần 20 ha đồi rừng.

Khi ông Phúc thu hoạch những cây quế đầu tiên, có tiền xây nhà rồi cho con cái học hành, bà con trong thôn liền học theo ông đưa cây quế lên thay thế nương ngô, nương lúa.

Đoạn đường ông Phúc bỏ tiền mua đất để hiến cho nhà nước. Ảnh: M.N

Đoạn đường ông Phúc bỏ tiền mua đất để hiến cho nhà nước. Ảnh: M.N

Hiến đất mở đường

Chúng tôi ngạc nhiên khi con đường mở lên khu sản xuất của người dân thôn Bỗng được rải đá và rộng tương đương với các tuyến đường trục thôn khác. Hỏi ra thì được biết đây là chủ trương của xã Cam Cọn trong chương trình xây dựng NTM của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Hùng cho biết, sau khi các tuyến đường liên thôn cơ bản đã được đổ bê tông, xã có chủ trương mở mới các tuyến đường vào các khu sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân và vận chuyển nông sản.

Nhu cầu mở đường rất lớn trong khi nguồn lực nhà nước có hạn vì vậy nếu không có sự sự chung sức của người dân thì khó mà triển khai được. Và để có sự đồng thuận ấy là cả một câu chuyện dài.

Nhiều hộ thấy có dự án nhà nước triển khai thì trông chờ sẽ được đền bù giải phóng mặt bằng nên nhất quyết không chịu hiến đất. Lại có hộ ban đầu đồng ý hiến khi thấy hộ khác chưa bàn giao mặt bằng thì tư tưởng dao động.

Nhận thấy việc nâng cấp mở rộng đường góp phần thuận lợi cho người dân trong thôn đi lại thuận thiện, giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ông Lý Tiến Phúc là người đầu tiên hiến đất và diện tích hiến cũng rất lớn.

Khi một số hộ gia đình gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, ông Phúc cùng với cán bộ xã, thôn giải thích, tuyên truyền, vận động để bà con hiểu việc hiến đất có nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế địa phương.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục một số hộ hiến đất vẫn chưa đồng thuận, ông Phúc liền đề nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương cho đổi diện tích đồi của gia đình lấy diện tích đất của hộ gia đình đang còn vướng mặt bằng phục vụ mở đường.

Chưa hết, ông còn bỏ tiền mua một phần diện tích đất của một hộ khác chưa chịu bàn giao mặt bằng sau đó hiến cho nhà nước làm đường.

“Mình già rồi, chịu thiệt một chút cũng không sao, con đường này rồi đến đời con, đời cháu mình còn được hưởng mà” - ông Phúc bộc bạch.

Vụ thu hoạch quế vừa rồi nhờ có con đường rộng rãi những chiếc xe tải của thương lái có thể đến tận chân đồi để thu mua với giá cao, người dân khấp khởi mừng.

Mai Minh Ngọc
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn