Thủ đô phát triển nông nghiệp hiện đại: Đất hẹp vẫn có thu nhập tiền tỷ
09:02 - 11/10/2019
Trong bối cảnh diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dành nhiều ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ. Nhờ đó trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội).


Nở rộ mô hình hiện đại

Cách đây 2 năm, được sự chấp thuận của huyện Thạch Thất, được sự hướng dẫn của Sở NNPTNT Hà Nội và hỗ trợ tích cực từ phía các công ty Nhật Bản, khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Thung lũng Ngọc Linh Hòa Lạc đã chính thức đưa vào vận hành sau 3 năm chuẩn bị. Bước đầu triển khai thử nghiệm, khu sinh thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và tạo ra một số sản phẩm NNCNC như: Rau siêu sạch (xà lách, rau cải, rau muống, rau chân vịt, cải sâm, rau mát gan...); trứng gà có khả năng ngăn ngừa tế bào ung thư.

Cùng với khu sinh thái này, thời gian qua huyện Thạch Thất đã triển khai 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp với diện tích 74,7ha. Quy hoạch 120ha lúa chuyển sang trồng rau, các loại củ, hoa, ngô nếp hàng hóa, dưa chuột, ớt xuất khẩu ở các xã Hương Ngải, Đại Đồng, Tiến Xuân, Yên Bình; mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ từ 30ha lên 46ha ở các xã Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan, Yên Trung, Cẩm Yên. Huyện giảm dần diện tích trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau màu… Nhờ đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập hấp dẫn.

 

Đơn cử như mô hình nuôi lợn rừng với quy mô trên 1.000 lợn nái sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 10.000 con lợn giống và lợn thương phẩm, kết hợp nuôi giun trùn quế, trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng 12ha ở xã Yên Bình, cho thu nhập từ 3 - 5 tỷ đồng/năm; mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi với diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng, thu nhập 250 triệu đồng/năm; mô hình trồng hoa ly 12ha ở xã Đại Đồng, cho thu nhập từ 800 triệu - 1,1 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương… Ngay cả các mô hình trồng rau an toàn, khoai tây cũng cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm nhờ sản xuất tập trung và ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật.

Khai thác hiệu quả tài nguyên đất

Cùng với Thạch Thất, hầu hết các địa phương trên địa bàn TP.Hà Nội đều đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, thực hiện dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, thuận tiện ứng dụng máy móc, công nghệ...

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn và xu thế tất yếu để nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai ngày càng thu hẹp. Mặc dù quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra phức tạp, nhất là đối với chăn nuôi lợn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự cố gắng của bà con nông dân, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt một số kết quả quan trọng. 

Toàn thành phố hiện có 126 mô hình NNCNC, tăng 20 mô hình so với năm 2017. Giá trị kinh tế trên 1ha canh tác đạt bình quân 269 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị gia tăng của ngành duy trì tăng trưởng 1,15%. Năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt 62 tạ/ha. Diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm 55% tổng diện tích, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018... Đáng chú ý, theo ông Mỹ, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành được 121 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi có thương hiệu được bảo hộ như gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, gà đồi Ba Vì; nhãn muộn Đại Thành; gạo thơm Bối Khê, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn… 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn