Cần biện pháp mạnh trong phòng, chống đánh bắt thủy sản tận diệt
08:43 - 19/07/2021
(MTNT) - Thời gian qua, tại nhiều địa phương, mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản song tình trạng ngư dân sử dụng các dụng cụ cấm khai thác hoặc khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt vẫn diễn ra ngang nhiên.
Tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản gây ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển sinh kế truyền thống của rất nhiều hộ dân.


Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) hiện có trên 1.200 tàu, thuyền của ngư dân đang hoạt động, cộng với nhiều tàu thuyền của ngư dân ở các vùng giáp ranh và từ các địa phương khác đến khai thác, đánh bắt. Từ đầu tháng 3.2021, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã liên tiếp bắt giữ nhiều tàu, bè mảng khai thác thủy sản trái phép.
 
 
Cụ thể, Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Trà Cổ khi tiến hành kiểm soát bảo vệ biên giới tại vùng biển thuộc phường Bình Ngọc đã phát hiện và bắt giữ 1 bè mảng xốp tự chế lắp máy 20CV do Vũ Tiến Nghĩa (sinh năm 1972, trú tại thôn Đông, xã Vạn Ninh, TP.Móng Cái) điều khiển, trên phương tiện có một bộ kích điện.
 
 
Tiếp đó, Đội tuần tra kiểm soát của đơn vị biên phòng tiếp tục bắt giữ các phương tiện, gồm: 01 tàu vỏ gỗ HT 20327 có tổng công suất 52CV do Trần Văn Thế (trú tại xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển, trên phương tiện có 01 bộ kích điện; bè mảng xốp không biển kiểm soát, lắp máy 20CV do Nguyễn Văn Thăng (cũng ở Hà Tĩnh) là chủ tàu, trên phương tiện có một bộ kích điện; bắt giữ 2 tàu khai thác thủy sản trái phép bằng nghề giã cào thuộc địa phận cửa khẩu cảng Vạn Gia.
 
 
Vào ngày 15.3, tại khu vực cửa sông Bắc Luân, biên phòng Trà Cổ khi kiểm tra giàn nuôi hầu hà của hộ ông Nguyễn Tiến Hương (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại Thụy Thanh, Thái Thụy Thái Bình) cũng phát hiện trên bè đang chứa khoảng 220m lồng bát quái. 3 ngày sau, lực lượng chức năng của TP.Móng Cái bắt giữ 2 bè mảng vận chuyển trái phép 55 tấn ốc điếu…
 
 
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, bắt giữ và xử lý khai thác thủy sản trái phép, nhưng người dân sinh sống trên vùng biển thuộc các xã, phường: Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Trà Cổ, Vạn Ninh, Hải Tiến, Hải Hòa, Hải Xuân, Hải Đông thuộc thành phố vẫn còn diễn ra tình trạng khai thác tận diệt. Các phương tiện khai thác thủy sản trái phép cả ngày lẫn đêm bằng nhiều loại dụng cụ như: Lồng bát quái, te điện, xiệc điện (ngư dân quen gọi là khán điện).Tuy người dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương nhưng sau mỗi lần tỉnh, thành phố cho kiểm tra thì hoạt động này chỉ tạm thời lắng xuống mấy hôm, sau đó đâu lại vào đấy.
 
 
Theo người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều, trên vùng biển xã Vĩnh Trung có khoảng hơn chục tàu khán điện, đang khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt. Tại khu vực bãi Đá Đen và cảng Núi Đỏ thuộc phường Bình Ngọc; phía xa bãi cồn Mang, phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái), hàng chục tàu khán điện cũng neo đậu tạm nghỉ ngơi vào ban ngày. Thế nhưng đêm nào cũng vậy, những tàu khai thác thủy sản trái phép này ngang nhiên hoạt động, càn quét trên các vùng biển, tận diệt hầu hết các loài thủy sản từ lớn đến bé.
 
 
Điều đáng lo là hiện có nhiều bè, mảng khai thác thủy sản của bà con ngư dân 2 xã đảo đang hoạt động ở đây. Vì thế, khi các tàu khán điện chạy qua là rất nguy hiểm, có thể khiến cho toàn bộ số thủy sản nuôi trồng của người dân bị chết. Ngoài ra, tình trạng khai thác thủy sản bằng lồng bát quái cũng rất phổ biến trên các vùng biển, khu vực rừng ngập mặn của thành phố; nhất là tại khu vực rừng ngập mặn dọc hai bên đường dẫn vào núi Tổ chim, phường Hải Hòa, khu vực cửa sông Thín Coóng xã Hải Tiến…
 
 
Tại Quảng Bình, tình trạng người dân sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Trên biển, tàu giã cào của người dân ở các xã: Quang Phú, Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới)… vẫn sử dụng xung điện, chất nổ để tiến hành khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ở khu vực nội đồng và các ao hồ, đầm phá, sông suối trên địa bàn thuộc các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn… người dân cũng vẫn ngang nhiên sử dụng xung điện để khai thác thủy sản.
 
 
Theo của Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2020, các lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý hành chính 22 trường hợp do vi phạm tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản; xử phạt 153 triệu đồng; tịch thu 21 kích điện, 0,5 kg thuốc nổ; chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý hình sự 3 vụ/8 đối tượng về hành vi vận chuyển, tàng trữ chất nổ.
 
 
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh (kể cả toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du) trong vòng bán kính 2m đều bị tiêu diệt. Do đó, để đánh bắt 1 con cá bằng xung điện đồng nghĩa sẽ giết chết 200 con (loài) khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra. Ngoài ra, kiểu khai thác này còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, trực tiếp làm thay đổi các yếu tố môi trường nước.
 
 
Tương tự, tại các tỉnh, thành trên dòng sông Mê Kông, cứ vào mùa nước nổi hằng năm, cùng với những loại ngư lưới cụ truyền thống thì ngày càng có nhiều ngư cụ khai thác mang tính chất tận diệt như: Cào điện, xiệt điện, thuốc nổ, mắc lưới nhỏ... Thực trạng này đang khiến cho nguồn lợi tài nguyên thủy sản ngày càng suy giảm và trở nên nguy cấp.


Theo nhiều hộ dân ở khu vực đầu nguồn huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), một trong những phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất tận diệt nhất hiện nay chính là ghe cào điện. Phương tiện này có công suất lớn, hoạt động được cả trên sông lẫn đồng ruộng.
 
 
Khác với các loại lờ, lọp, câu lưới truyền thống, phương tiện này đánh bắt có tính chất tận diệt. Tại bất cứ nơi nào ghe cào đi qua thì cá, tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch do phải gánh chịu ảnh hưởng từ xung điện công suất lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho nguồn lợi thủy sản trên các con sông ngày càng teo tóp, nhiều loài cá nước ngọt liệt vào danh sách quý hiếm, cần được bảo vệ thì có nguy cơ bị tuyệt chủng.
 
 
Không những càn quét vùng mặt nước trên các sông, các cánh đồng mà ngay cả những loại thủy sản vốn chỉ sống ở tầng đáy của các sông lớn cũng bị khuấy đảo bởi các ghe cào hến có công suất lớn. Những phương tiện cào hến này thường đi thành đoàn khoảng từ 8 – 12 chiếc. Những nơi mà đoàn ghe cào đi ngang qua thì hầu như nước dưới sông đều bị khuấy đảo, đen ngòm.
 
 
Tại Cà Mau, tình trạng khai thác ven bờ, tận diệt nguồn lợi thủy sản vẫn đang là vấn đề mà tỉnh phải đối mặt những năm qua. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ. Tuy nhiên, trong thực tế con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều vì có cả phương tiện thủy gia dụng tham gia đánh bắt mà chưa được kiểm đếm.
 
 
Các phương tiện này dùng đủ loại ngư cụ như: Lưới màn, lưới mắc nhỏ, đẩy te, đẩy sịp, lú bát quái, đáy bờ, đáy cạn... với mục đích đánh bắt tất tần tật những sinh vật dù lớn hay bé. Trong đó, không ít dụng cụ khai thác đã bị liệt vào loại nghiêm cấm, nhất là lú bát quái vì mang tính tận diệt cao.
 
 
Tuy nhiên, bất chấp việc bị phạt nặng và tịch thu nếu phát hiện, loại dụng cụ khai thác này vẫn ngang nhiên được nhiều đối tượng sử dụng một cách công khai ở hầu hết các cửa biển lớn, nhỏ trong tỉnh Cà Mau cũng như các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
 
 
Đa số các hộ khai thác thủy sản đều biết việc sử dụng ngư cụ bị cấm, sử dụng điện để khai thác thủy sản là vi phạm pháp luật nhưng do hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, không có đất để canh tác nên họ vẫn lén lút hành nghề; nhiều hộ khai thác còn tái vi phạm nhiều lần. Hiện việc hướng dẫn bà con chuyển đổi nghề nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn.
 
 
Ngoài ra, do lực lượng và phương tiện còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa thường xuyên và rộng khắp. Nhiều trường hợp sử dụng xung điện, chất độc khai thác thủy sản hoạt động về đêm ở vùng sâu, kênh rạch nhỏ và ngụy trang rất khó phát hiện, gây nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Chưa kể lực lượng chức năng còn bị các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối và uy hiếp, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay. Bên cạnh đó, xu hướng thích thưởng thức, tiêu dùng những loại thủy sản tự nhiên quý hiếm cũng là một nguyên nhân thúc đẩy quá trình đánh bắt, khai thác cá nước ngọt tự nhiên theo kiểu tận diệt như hiện nay.
 
 
Có thể thấy tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đến mức tận diệt đã và đang gây ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển sinh kế truyền thống của rất nhiều hộ dân. Việc tuyên truyền, nhắc nhở là giải pháp tất yếu, song để giải quyết dứt điểm tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản thì cần thiết phải có những giải pháp mạnh hơn, liên tục và có sự liên kết phối hợp giữa các tỉnh, thành.
 
 
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần đổi mới phương thức quản lý tái tạo nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng quản lý và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm cùng liên kết phát triển; tăng nguồn thu từ khai thác giá trị nguồn lợi thủy sản để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, tái tạo. Ngoài ra, cũng cần giúp người dân thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp hiệu quả; có chính sách xã hội, kế hoạch cho vay tín dụng hỗ trợ vận động chuyển đổi nghề nghiệp và dạy nghề nhằm từng bước giúp bà con chuyển đổi hình thức khai thác thủy sản hoặc khai thác theo kiểu truyền thống, từ đó giúp giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên.
Anh Kiệt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn