Quảng Bình: Bà chủ hải sản đầu tư lò sấy năng lượng mặt trời, "kéo" nhiều người cùng làm việc này
09:01 - 29/06/2021
Chị Đào Thị Tám - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám (ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) giàu lên từ nước mắm, mực khô. Bên cạnh đó, chị Tám còn làm "Dân vận khéo", 'kéo' nhiều hộ dân trong xã phát triển kinh tế.
Chị Đào Thị Tám đang phơi mực, để làm ra sản phẩm mực khô đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình


Làm giàu từ biển

Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Đào Thị Tám (SN 1970, ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở miền biển nên tuổi thơ của chị toàn gắn với con tôm, con mực.

Năm 1990, chị Tám lấy chồng, gia đình chồng có truyền thống làm nghề chế biến hải sản khô. Về làm dâu, chị Tám nhanh chóng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ việc chế biển hải sản khô từ bố mẹ chồng.

Thời gian sau, vợ chồng chị Tám ra ở riêng. Với lợi thế ở địa phương có nguồn hải sản dồi dào, chị Tám cùng chồng phát triển kinh tế bằng nghề chế biến hải sản khô.

Khi bắt tay vào chế biến hải sản khô, vốn ít nên gia đình chị thu mua và chế biến chỉ được 3 tạ cá tươi/ngày. Việc chế biển hải sản khô làm trong mùa nắng, chủ yếu giải quyết việc làm cho người trong nội bộ gia đình.

Chị Đào Thị Tám nói: "Ngày mới bắt tay vào làm, nước mắm và mực khô của gia đình chưa có thương hiệu nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Thức khuya, dậy sớm cả năm nhưng thu nhập vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi".

Sau đó, chị Tám tự tìm hiểu và tham gia các khoá tập huấn kỹ thuật chế biến thuỷ hải sản, kỹ năng tìm kiếm thị trường, quản lý doanh nghiệp nhỏ và buôn bán hộ gia đình. Đồng thời chị bắt xe khách đi học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương.

Bằng vốn kinh nghiệm chuyên sâu sau thời gian tự học. Chị Tám vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị như: quạt điện, giàn phơi cá, lò sấy cá, để mùa mưa cũng chế biến được.

Bên cạnh đó, chị Tám còn tích cực tìm kiếm khách hàng tiềm năng để thu mua nguyên liệu tươi và tiêu thụ hàng hoá sau chế biến. Nhờ đó, việc chế biến hải sản khô của gia đình chị ngày càng phát triển.

Gương "dân vận khéo"

Năm 2019, chị Đào Thị Tám đứng ra vận động nhiều hộ dân trong xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám (HTX. Long Tám).

Hợp tác xã có 9 thành viên và chị Tám được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã. Công việc chính của Hợp tác xã là sản xuất chế biến các mặt hàng hải sản khô, nước mắm, ruốc.

Chị Đào Thị Tám cho biết: "Để Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tôi tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời vay mượn tiền bạn bè để đầu tư mở rộng nhà xưởng, xây dựng lò sấy, kho đông lạnh, bể chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời và một số hạ tầng khác".

Theo chị Tám, hàng năm, HTX Long Tám xuất ra thị trường khoảng 8 - 9 tấn cá, mực, tôm khô các loại; 12.000 lít nước mắm... Doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ chú trọng đến chất lượng và số lượng sản phẩm bán ra thị trường, chị Tám còn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm mực khô, nước mắm Long Tám.

Nhờ đó, năm 2020, sản phẩm nước mắm và mực khô của HTX Long Tám được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn OCOP 3 Sao cấp tỉnh.

Giờ đây, các mặt hàng mực khô, nước mắm Long Tám được nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh Quảng Bình biết đến. Sản phẩm cá khô, nước mắm Long Tám còn được người Việt ở nước ngoài sử dụng.

Tháng 10/2020, chị Đào Thị Tám vinh dự là cá nhân duy nhất đại diện cho tỉnh Quảng Bình cùng với 38 cá nhân tiêu biểu khác trong cả nước tham gia buổi gặp mặt, tuyên dương điển hình "Dân vận khéo" toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn