Ước vọng của Thạc sỹ Nguyễn Viễn là sẽ có một ngày, chọn được cây lâm nghiệp bản địa giá trị cao, và nhanh cho sinh khối như keo lai...
"Kính vạn hoa" đo sáng
Ngay sau Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ là Trạm Thực nghiệm Lâm sinh Cầu Hai, quản lý 715 ha đất lâm nghiệp. Trạm nằm trên địa bàn 7 xã: Chân Mộng, Minh Phú, Vân Đồn, Tiêu Sơn, Minh Tiến, Năng Yên, Đại An, thuộc hai huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi lưu trữ, bảo tồn nhiều loài cây lá rộng bản địa, cây nhập nội mọc nhanh, và phát triển 63,5 ha rừng tự nhiên.
Trạm thực nghiệm này cũng là nơi Thạc sỹ Nguyễn Viễn cùng cán bộ, công nhân viên Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ thường lui tới khảo nghiệm những giống cây mới đưa về tỉnh. Với mục tiêu bảo tồn nguồn gen, cán bộ trung tâm đã sưu tập được 378 loài thuộc 210 chi của 72 họ trong 4 bộ sưu tập, tính từ năm 1991 đến nay.
Để làm giàu hơn nữa bộ sưu tập, theo Thạc sỹ Viễn, cần phát triển đa dạng hệ sinh thái, trong đó có trồng cây mới. "Trồng mới không hề đơn giản. Chúng tôi phải xác định trước là cần trồng loại cây ưa sáng hay ưa bóng, sau đó tìm địa điểm thích hợp để cây phát triển tối ưu", anh nói.
"Địa điểm thích hợp", như lời anh Viễn nói, hiện dựa nhiều vào kinh nghiệm thực tế. Trung tâm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên chưa thể đầu tư những thiết bị đo sáng điện tử hiện đại. Do đó, anh cùng đồng nghiệp phải sáng chế ra một công cụ đo sáng thủ công theo kiểu mộc trắc, để tìm khoảng trống cho cây ưa sáng.
Thiết bị của Thạc sỹ Viễn nom giống một ống kính vạn hoa, chiều dài vài chục centimet, có hai thấu kính phía trong đặt vuông góc, thay vì thẳng hàng. Với nguyên lý phản xạ ánh sáng, giống kính tiềm vọng của tàu ngầm, đặt mắt vào một đầu thấu kính, người sử dụng sẽ nhìn theo phương thẳng đứng lên bầu trời.
Khác với những thiết bị đo sáng hiện đại, có thể ra chỉ số lumen sáng chính xác với sai số vài phần trăm, Thạc sỹ Viễn dùng chiếc "kính vạn hoa" để đo độ sáng tương đối qua tán cây. Nếu tỷ lệ diện tích lá cây nhìn qua ống kính không quá 50%, vùng đó được xem là hợp với cây ưa sáng và có thể trồng được cây mới.
Ngoài vấn đề kinh nghiệm, quan trắc độ sáng bằng công cụ này còn khiến người sử dụng mệt mỏi vì thời tiết. Giữa trưa nắng, vào khoảng 12h, anh Viễn cùng cộng sự phải leo núi đo đạc, bởi đó là lúc mặt trời giữa đỉnh đầu. Ánh nắng chiếu gần như theo phương thẳng đứng, và ít bị khuất bởi vòm cây.
"Một số người mới đo sáng kiểu này, không cẩn thận có thể bị ngất. Nguyên do bởi họ không chọn đúng điểm gốc, khiến phải đo đạc nhiều lần. Tôi hay đùa vui, là muốn trồng cây chuẩn thì cứ ngước lên nhìn trời", Thạc sỹ Nguyễn Viễn tâm sự.
Cách làm của cựu sinh viên ngành lâm nghiệp, là tìm những khoảng đất rộng, áng chừng vài chục hoặc 100 mét vuông, có ánh sáng chiếu rọi. Sau đó, anh tìm xung quanh khu vực chọn những cây gỗ lớn, đường kính từ 6 cm trở lên, để làm mốc. Tính từ gốc cây ra khoảng 3-4 mét, anh Viễn bắt đầu đo, rồi đánh dấu những điểm có độ sáng 50%.
Những lần đi hai, ba người và gặp thời tiết đẹp, công việc của Thạc sỹ Nguyễn Viễn sẽ bớt mệt nhọc. Tuy nhiên, những hôm lọ mọ một mình, nhiều lúc anh thấy như say nắng. Mắt vừa rời ống kính ngắm, tay đã phải chấm những điểm mốc lại lên giấy. Từ những điểm chấm này, anh dựng được một khoảnh đất, thường là hình chữ nhật, rồi ngồi tính toán xem trồng mỗi luống cây mới cách từ 3 hay 4 mét để tối ưu. Cuối cùng, mới là chọn giống cây phù hợp.
Tình yêu vù hương
Nguyễn Viễn là một trong số hơn 20 cán bộ, công nhân viên Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ quê Phú Thọ. So với một số đồng nghiệp khác tỉnh, anh Viễn thuận lợi hơn ở điểm xuất phát.
Vốn quen với cây trồng bản địa, anh có thể ròng rã trong khu vườn sau trung tâm (Trạm Thực nghiệm Lâm sinh Cầu Hai) hàng tháng trời. Những lối mòn, quả đồi, từng khóm tre, ngọn trúc tại khu bảo tồn anh đều thân quen như người nhà.
Mọi thứ bắt nguồn từ tình yêu cây vù hương, vốn là loài anh Viễn chọn nghiên cứu hồi năm 2018. Nhờ sự chỉ đạo của Tiến sỹ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ, đề tài Nghiên cứu khai thác phát triển nguồn gen cây vù hương cung cấp gỗ lớn và tinh dầu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá cao và trở thành đề tài cấp Quốc gia.
Trong vòng 3 năm, chàng thạc sỹ sinh năm 1987 kết luận, vù hương nên được trồng ở các vùng thấp, ven chân đồi hoặc có tính chất đất rừng. Khi thu hái hạt giống, cần dùng phương pháp thủ công như sào có buộc ngoắc ở đầu để ngoắc từng chùm khi quả chuyển màu hoặc nhặt hạt khi quả chín rụng xuống. Một điểm nữa, cây vù hương ưa bóng khi mới trồng, nên người dân cần làm giàn che. Đến khi đạt chiều cao trên 30 cm, cây mới được xuất vườn.
Ngoài công dụng chính là sản xuất tinh dầu, vù hương còn nhiều tác dụng. Nước pha rễ vù hương giúp giải nhiệt, đặc biệt trong những ngày hè nóng. Rễ và thân vù hương còn có tác dụng chữa dạ dày, bụng đau, tiêu hóa kém, ho gà, kiết lỵ, thậm chí còn tác dụng giảm đau. Lá vù hương được dùng làm thuốc cầm máu, chữa phong thấp, đau dạ dày, mẩn ngứa ngoài da. Quả vù hương có thể chữa cảm, sốt cao, lỵ, ho gà.
Lăn lộn với vù hương nói riêng và hàng chục loài cây lá rộng bản địa nói chung như lim xanh, sồi phảng, dẻ đỏ, xoan đào, bồ đề... Thạc sỹ Nguyễn Viễn vẫn trăn trở với vấn đề quản lý sơ đồ cây trồng. Số là diện tích đất rừng của hai trạm thực nghiệm lâm sinh của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ lên tới hơn 1.000 ha, mỗi cán bộ, công nhân viên phải quản lý trung bình hàng chục hecta. Điều ấy dẫn đến chuyện, người trồng cây mới và kiểm tra không phải lúc nào cũng là một.
"Nhiều khi sau những trận bão, gió lớn, tôi lên rừng và thấy cây nào cũng giống nhau. Không thể phân biệt nổi đâu là tre gai, tre sọc trắng, hay tre lạt vì chúng đều còn nhỏ, và đổ rạp. Anh em trung tâm hầu hết đều phải dựa vào kinh nghiệm và thông thuộc địa bàn để định hình sơ đồ cây", anh Viễn bày tỏ.
Những lúc như vậy, đo tốc độ sinh trưởng của những khóm cây mới trồng là một thử thách. Dù muỗi bay thành đàn, anh Viễn cùng đồng nghiệp vẫn không ngại ngần chui vào những góc rậm rạp, um tùm nhất để đo vanh, ước lượng chiều cao. Anh bảo, nếu không đo đạc định kỳ, như cây non là ba tháng một lần, những cây không phù hợp với thổ nhưỡng Phú Thọ sẽ hút hết dinh dưỡng đất mà không đem lại hiệu quả kinh tế.
Xòe đôi bàn tay, vẫn chưa lặn hết những nốt đỏ vì muỗi đốt, Nguyễn Viễn dự định nghiên cứu sâu thêm về những loài cây bản địa khác nơi quê nhà, trong đó có kỹ thuật thâm canh các loài mọc nhanh. "Nếu một ngày nào đó, cây bản địa của tỉnh Phú Thọ sinh khối nhanh như keo là tôi có thể mãn nguyện được rồi", anh bảo.