Cô gái giữ nghề dệt lụa Mã Châu
18:15 - 15/06/2023
QUẢNG NAM-Từ chối công việc ở ngân hàng, Trần Thị Yến về quê, cùng bố giữ nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu đang có nguy cơ biến mất.
Trần Thị Yến đang kiểm tra những tấm vải đang dệt


Đầu tháng 5, trong xưởng dệt lụa rộng 3.000 m2 ở trung tâm thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, 10 công nhân cần mẫn làm việc bên khung cửi. Tơ tằm tự nhiên qua bàn tay của các nghệ nhân đã trở thành những mảnh lụa mềm mại, hút mắt. "Lụa Mã Châu bền, nhẹ, thoát nhiệt, chống hôi mốc", Trần Thị Yến (31 tuổi) - quản lý xưởng dệt nói.

9 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Yến được một ngân hàng tại TP Tam Kỳ nhận làm việc. Tuy nhiên buổi tối trước ngày đi làm, cuộc trò chuyện với bố là ông Trần Hữu Phương - Chủ nhiệm hợp tác xã dệt lụa Mã Châu, đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của cô.

Làng Mã Châu trước đây có hơn 300 hộ dân ươm tơ với 4.000 khung dệt lụa, nhưng nay chỉ còn mình ông Phương bám trụ giữ nghề. Thị trường xuất hiện nhiều loại vải lụa công nghiệp giá rẻ, mẫu mã đa dạng khiến hợp tác xã không tìm được thị trường tiêu thụ, chỉ bán sản phẩm thô cho các đơn vị khác nên liên tục thua lỗ. Yến quyết định ở quê sát cánh cùng bố khôi phục làng nghề.

"Người ta khởi nghiệp từ con số không, còn em khởi nghiệp bằng con số âm vì hợp tác xã của bố đang nợ hàng trăm triệu đồng", cô kể, cho biết đã nhờ bố thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng làm hành trang tìm lại thương hiệu Mã Châu.Những ngày đầu vào nghề, Yến mang những tấm vải được dệt 100% sợi tơ tự nhiên đến nhiều cửa hàng ở TP Hội An chào bán song chỉ nhận được những cái lắc đầu. Họ nói sản phẩm tốt, đẹp nhưng đắt gấp ba lần giá nhập những mặt hàng đang bán, có người còn cho rằng đây là hàng giả vì "làm gì còn lụa Mã Châu".

Sản phẩm không bán được, nguồn tài chính để trả cho nhân công không có, Yến nhờ bố nâng hạn mức vay ngân hàng để có tiền trang trải. Cô nhận ra mình phải làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài những tấm lụa làm từ sợi tơ tằm, Yến bắt đầu thử làm từ sợi lanh, sợi tre để giảm giá thành.

Cô tiếp tục mang vải đi chào hàng ở các thành phố lớn, hội chợ; gửi mẫu giới thiệu ở các cửa hàng; và giới thiệu về lụa Mã Châu trên mạng xã hội. Yến cũng tìm cách kết nối với một số nhà thiết kế trẻ, mời họ sử dụng lụa Mã Châu cho các sản phẩm thời trang.

Sau một thời gian khách hàng sử dụng, thấy chất lượng tốt nên vải được bán ra nhiều hơn, cô bắt đầu có thu nhập. Từ những sản phẩm tầm trung, khách tìm đến mặt hàng cao cấp hơn. "Đây là tín hiệu để phát triển", Yến nói, cho biết từ lúc đó ngoài các khung dệt bằng gỗ truyền thống, cô đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại để tăng chất lượng sản phẩm.

Chỉ trong bốn năm 2018-2022, Yến dùng hơn 10 tỷ đồng từ tiền lợi nhuận và vay mượn ngân hàng, người thân, để đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Đó là công nghệ lập trình kỹ thuật số dệt hoa văn trên nền vải lụa tự nhiên cùng với hệ thống máy cán sấy định hình, nhuộm màu từ thảo mộc.Hiện nay, mỗi tháng xưởng dệt cung cấp ra thị trường 3.000 mét vải, giá dao động 130.000 đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi mét. Sản phẩm được các thương hiệu thời trang nổi tiếng đặt mua; nhiều doanh nghiệp đặt hàng theo mẫu mã riêng cũng được công ty đáp ứng. Sản phẩm được ưa chuộng giúp Yến đạt tổng doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng, lãi khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Năm 2018, logo nhận diện tơ lụa Mã Châu ra đời. Cũng trong năm này, tổ chức KIPO, KIPA Hàn Quốc đã lựa chọn Mã Châu là thương hiệu duy nhất tại Việt Nam được bảo hộ thương hiệu toàn cầu. Năm 2021, sản phẩm khăn lụa Mã Châu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Nam.

"Dù chọn công việc bận rộn, tôi vui vì được làm chủ trên chính quê mình, được tiếp nối nghề của bố, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người với thu nhập 4-7 triệu đồng mỗi tháng", Yến nói. Cô cho biết trong tương lai sẽ phát triển làng nghề thành điểm tham quan, tiếp đón du khách, hình thành khu du lịch cộng đồng với nhiều hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Duy Xuyên Trần Thị Minh Yến đánh giá cao tâm huyết khôi phục làng nghề dệt lụa Mã Châu của Trần Thị Yến. "Yến có tư duy sáng tạo, kết hợp với bố có tay nghề cao, không chỉ gìn giữ được làng nghề mà còn phát triển thương hiệu lụa Mã Châu với sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng", bà nói.

Nghề dệt lụa Mã Châu có từ thế kỷ 16. Tương truyền có một người phụ nữ tên Mã Chấu ở Kinh Bắc di cư vào nam. Trên đường đi, bà dừng chân ở vùng đất bên sông Thu Bồn phù sa rộng lớn, nơi người Chăm trồng dâu nuôi tằm lấy tơ đan thổ cẩm. Bà đã dạy cho cư dân bản địa nghề dệt vải với chính khung dệt mang theo trên vai khi nam tiến.

Biết ơn bà, người dân đặt tên làng là Mã Châu - gần với tên của bà để tránh phạm húy. Lụa Mã Châu sau đó nổi tiếng ở xứ Đàng Trong khi tàu thuyền vào TP Hội An buôn bán, thương cảng Hội An và bến Đò Tơ là điểm nút quan trọng trong con đường tơ lụa trên biển thời bấy giờ. Lụa Mã Châu còn được cung cấp cho giới quý tộc và quan lại trong triều đình.


 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn