|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cùng Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 |
Đồng chủ trì tại Hội nghị có đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; đồng chí Hầu A Lềnh- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Hoàng Thị Hạnh, Y Thông. Về phía Trung ương Hội NDVN có các Phó Chủ tịch: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Nguyễn Xuân Định; cùng đại diện lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị trực thuộc hai cơ quan.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp công tác giữa Trung ương Hội NDVN và UBDT giai đoạn 2013-2020 đã chỉ rõ: Chương trình phối hợp giai đoạn 2013-2020 được hai cơ quan nghiêm túc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình đã giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung hoạt động cũng đã được hai cơ quan phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện như: Công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân; công tác kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách dân tộc… Đồng thời, hai cơ quan đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong hoạt động công tác, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, tiếp tục xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm qua, hai cơ quan luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển toàn diện và bền vững. Theo đó, các cấp Hội ND đã tích cực phối hợp với các ngành, đặc biệt là với UBDT, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai sâu rộng các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, làng, ấp, bản, văn hóa...; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu.
Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để bà con nông dân vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận những nét văn hóa mới tiến bộ; qua đó, nhận thức của đồng bào đã được nâng lên. Đặc biệt, đã ý thức được mặt trái của các hủ tục lạc hậu, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, thực hiện nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh, giảm tỷ lệ hôn nhân cận huyết, một số hủ tục từng bước được loại bỏ dần...
Kết quả, hàng năm có 100% hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số và miền núi đã được tuyên truyền. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, thúc đẩy tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; bồi đắp thêm sự tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc. Từ đó chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một trong những kết quả nổi bật từ chương trình phối hợp đó là hai cơ quan đã tập trung xây dựng nhiều mô hình, dự án; triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân (về vật tư, phân bón, vốn) để đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, hai cơ quan đã phối hợp xây dựng và triển khai 30 dự án phát triển kinh tế với 648 hộ dân tộc thiểu số và miền núi ở 18 tỉnh, thành phố tham gia; hỗ trợ gần 80 ngàn con giống, 30 bộ máy chế biến thức ăn, hơn 5.000 cây giống các loại…
Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức tập huấn khoa học kĩ thuật cho trên 31 triệu lượt hội viên, nông dân. Hội cũng phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho trên 2 triệu lượt hội viên, nông dân. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định (trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ) đạt trên 80%.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua; trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua thống kê, bình quân hàng năm có hơn 6,2 triệu hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua. Trong đó, thông qua bình xét đã có gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (có 20% hộ dân tộc thiểu số đăng ký và 10% số hộ đăng ký đạt sản xuất, kinh doanh giỏi).
Phát huy những kết quả đạt được, Hội NDVN và UBDT tiếp tục ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025. Theo Chương trình phối hợp công tác, hai bên sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua các dự án, mô hình trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của hai cơ quan trong việc thực hiện chương trình phối hợp công tác trong 7 năm qua. Từ kinh nghiệm sau 7 năm cũng chính là nền tảng để các bên tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 ngày càng đi vào thực chất và mang lại hiệu quả.
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu tại Hội nghị |
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Hội NDVN hiện có trên 10,29 triệu hội viên, nông dân; trong đó, hơn 1,8 triệu hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ khoảng 17,5% hội viên, nông dân toàn quốc).
Với hệ thống tổ chức đến tận các cơ sở, thôn ấp, bản làng, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của hội viên, nông dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng, việc làm thường xuyên của tổ chức Hội. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng kịp thời lắng nghe, tập hợp ý kiến của nông dân là người dân tộc thiểu số phản ánh với cấp ủy, chính quyền để có những chính sách phù hợp với đặc thù của vùng và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo sự đoàn kết các dân tộc, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025, về phía Hội NDVN sẽ tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền tới hội viên, nông dân; đẩy mạnh các hoạt động đa dạng nhằm hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, dần hướng tới liên kết tập trung. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân như: Đào tạo khoa học kĩ thuật, dạy nghề, cầm tay chỉ việc; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ nguồn vốn vay; hỗ trợ xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; tín chấp với các doanh nghiệp uy tín cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đầu ra…
Đánh giá cao vai trò của Hội ND trong thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn khẳng định được vai trò, vị thế làm trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó, chủ thể chính là người nông dân. Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn là vùng trọng điểm của đất nước, vì thế, quan tâm đến vùng này cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Xu thế hiện nay đang hướng tới mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số- đây cũng chính là hướng đi mới mà hai cơ quan cần tập trung quan tâm, chỉ đạo.
“Thời gian tới, để Chương trình phối hợp triển khai đạt hiệu quả cao nhất, trước hết, các đơn vị làm đầu mối ở hai cơ quan cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị để hoàn thiện quy chế phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, cần có kế hoạch triển khai ngay chương trình hành động trong năm 2022 để việc phối hợp thực hiện giữa hai cơ quan đạt hiệu quả cao”- Đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Hai bên thống nhất giao Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng- An ninh thuộc Trung ương Hội NDVN và Văn phòng điều phối Chương trình MTQG thuộc UBDT làm đầu mối tham mưu giúp việc, triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp. Chỉ đạo Ban Dân tộc và Hội ND các tỉnh, thành phố ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động với các nội dung cụ thể, phù hợp.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: