Hội ND tỉnh Ninh Bình: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường nông thôn
(MTNT)- Để phát huy tối đa vai trò của hội viên, nông dân trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, các cấp Hội ND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn.
|
Mỗi chi Hội đăng ký với chính quyền nhận quản lý một tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường. |
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các quy định của Luật BVMT, đồng thời chỉ đạo Hội ND các cấp vận động, kêu gọi hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các phong trào, sự kiện quan trọng về môi trường như: Mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Môi trường thế giới”, “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”; treo băng rôn, khẩu hiệu BVMT trên các trục đường chính, công sở làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ Hội nội dung liên quan đến môi trường; tổ chức Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường dưới hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền trên Bản tin công tác Hội hàng quý và website Hội ND tỉnh… Toàn tỉnh hiện có 141 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; 136 tủ sách pháp luật, góp phần phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp thông tin hoạt động của Hội về công tác BVMT.
Đến nay, Hội ND tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận - Trung ương Hội NDVN; Chi cục BVMT, Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn - Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức 65 lớp tập huấn BVMT cho 7.150 lượt hội viên, nông dân; 185 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng 20 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi... giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, chuyển sang sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, các Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà”, “Ăn sạch - ở sạch - uống sạch”… do Hội ND phát động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng, mỗi chi hội đăng ký với chính quyền nhận quản lý một tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường. Mặt khác, để khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong việc tham gia BVMT, hàng năm Hội còn đưa nội dung “Xây dựng mô hình nông dân tham gia BVMT” thành chỉ tiêu thi đua quan trọng để đánh giá, xếp loại các đơn vị.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường Nông thôn- Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh đã triển khai xây dựng 7 mô hình điểm gồm: “Thu gom rác thải tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn” tại xã Gia Thịnh; “Hội ND thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi để xử lý bằng lò đốt rác công nghệ CNC 300” tại xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn); “Hội ND tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải và xử lý nước thải làng nghề bún bánh” tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); “Hội ND thu gom phân loại, xử lý chất thải, rác thải nông thôn” tại các xã Lạng Phong, Phú Lộc (huyện Nho Quan); “Nông dân thu gom rác thải sinh hoạt làng nghề thêu truyền thống Ninh Hải gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức BVMT khu du lịch và xây dựng NTM” tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) với tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của 5.861 hộ gia đình và 21.347 hộ được hưởng lợi.
Với việc trang bị cho hội viên nông dân 66 xe thu gom rác thải; 70 thùng đựng rác công cộng; 1.928 thùng đựng rác tại các hộ gia đình; 2 bể xử lý rác thải gắn biển “Điểm du lịch không có rác”; vận động thành lập các câu lạc bộ “Nông dân BVMT”, đội thu gom rác thải tại các địa phương triển khai mô hình điểm đã đi vào nề nếp, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài ra, hội viên, nông dân còn hăng hái tham gia, tự nguyện đóng góp ngày công, kinh phí, sáng kiến để thu gom, vận chuyển rác thải, cải tạo môi trường, xây dựng NTM, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch sạch đẹp, văn minh.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững - Hội NDVN, Hội ND tỉnh đã xây dựng thành công dự án mô hình điểm “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xã Yên Thái (huyện Yên Mô) góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Sau khi triển khai, mô hình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp, đồng thời giúp các hộ hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hiện mô hình đã được nhân rộng tại 7 chi hội thuộc 7 xã trên địa bàn với trên 100 hộ tham gia. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 thùng đựng rác riêng biệt hữu cơ, vô cơ và một thùng chứa lớn để ủ. Nhờ đó, lượng rác thải ra môi trường cũng như chi phí cho công tác thu gom, xử lý giảm đáng kể, mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương.
Từ mô hình ban đầu, đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác như: Xã Yên Quang (huyện Nho Quan), xã Gia Thịnh, Gia Hưng (huyện Gia Viễn), xã Ninh Hải, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư)... với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi thói quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học bằng các sản phẩm sinh học, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, môi trường đất, nước, không khí không bị ô nhiễm, hệ sinh thái nông nghiệp dần được phục hồi, ngày càng phong phú, đa dạng. Chất lượng nông sản được đảm bảo.
Nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại được nông dân tiếp cận, ứng dụng vào thực tiễn và dần trở nên phổ biến. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 17 vùng rau củ an toàn cho thu nhập trung bình 250-300 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình rau sản xuất theo quy trình VietGAP, sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhà kính được mở rộng. Riêng lĩnh vực trồng trọt diện tích sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 34%.
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên trong thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, BVMT nông thôn; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học xanh - sạch - đẹp; vận động nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; xác định, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể; nghiên cứu, tìm hiểu những bài học tốt, cách làm hay, vận dụng sáng tạo và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương.