Hội ND Sóc Trăng: Bảo vệ môi trường gắn với phát triển nông nghiệp bền vững
16:49 - 28/12/2017
(MTNT) - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng an ninh, các cấp Hội ND còn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường, nhờ đó nhận thức của hội viên, nông dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc sử dụng và xả rác thải từ thuốc bvtv bừa bãi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nông thôn

Theo đó, các cấp Hội ND trong tỉnh đã phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường tỉnh thực hiện thành công dự án “Xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ” trên địa bàn tỉnh với lũy kế 110 mô hình.


Bên cạnh đó, Hội còn triển khai xây dựng mô hình "Ứng dụng phân hữu cơ tự sản xuất tại nông hộ (Có chủng nấm Trichoderma) trên rau màu, tại 02 xã Đại Tâm và xã tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Kết quả, có 40 mô hình, không chỉ giúp nông dân địa phương thực hành nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cho môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất và hiệu quả.


Do việc lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và việc sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống ngày càng ít, đã làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất...


Trong khi hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và có lượng phế phụ phẩm nông nghiệp rất lớn, nhưng chưa khai thác hoặc khai thác làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường như: Phế thải của chăn nuôi, phụ phẩm sau thu hoạch rau màu, phát mầm bệnh...


Vì vậy, việc canh tác theo hướng an toàn sinh học và tiết giảm chi phí là xu thế tất yếu. Việc triển khai thực hiện dự án một phần giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức và làm quen với kiểu canh tác bằng phân hữu cơ. Mặt khác, thông qua mô hình, dự án còn giúp giải quyết vấn nạn phế phẩm bã rơm sau khi thu hoạch nấm, phụ phẩm nông nghiệp, nhất là chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nông thôn.


Theo đó, các hộ thực hiện dự án, được hỗ trợ vật tư, chuyển giao kỹ thuật ủ phân và hướng dẫn cách thực hiện mô hình “cầm tay chỉ việc”, chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu như: Tre, bạt ni lông, phân chuồng, phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương và chế phẩm Trichoderma.


Tận thu nguồn phế phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, sau đó làm khung, khoanh bạt xung quanh rồi cho nguyên liệu vào với độ dầy khoảng 20 - 25cm, rồi đến phân chuồng (nếu không có phân chuồng thay thế urê 50 – 200g/m3 để tưới); tưới đều dung dịch chế phẩm Trichoderma (20 – 30g/m3 ) lên cho ướt và đạp dẽ nguyên liệu; tương tự xếp lớp thứ 2 và tưới dung dịch cho đến hết nguyên liệu.


Khi làm xong, đậy kín bạt để giữ ẩm; đặc biệt trong mùa mưa phải đánh rãnh xung quanh đống ủ để thoát nước; thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm, nếu nhiệt độ trên 500C và ẩm độ 40 – 60% thì cần bổ sung thêm nước và urê. Thời gian khoảng 1- 2 tuần nấm Trichoderma và các vi sinh vật có ích phát triển bắt đầu phân hủy nguyên liệu. Sau 2 tháng, đống ủ hết nóng, phân hoai mục hoàn toàn thì ta có thể bón cho cây trồng.


Phân hữu cơ tự sản xuất có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng, vì trong phân hữu cơ có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích. Hay nói cách khác phân hữu cơ vi sinh là sản phẩm của quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Các vi sinh vật sử dụng chất hữu cơ để phát triển sinh khối và giải phóng các chất hữu cơ dễ phân hủy, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.


Thời gian tới, để nhân rộng mô hình. Các cấp Hội cần tiếp tục phối hợp cùng với các sở ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến kích hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người dân, vừa giảm được khối lượng lớn phế phẩm nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
 
 
Thanh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn