Cảnh báo hiện tượng trồng loại cây chứa 15 gen khác nhau
09:35 - 03/08/2020
Được các kỹ sư Canada cấy gen từ 15 loại cây khác nhau, chủ đầu tư cung cấp giống, phân, kỹ thuật, dân đào hố, chăm sóc sau 5 năm sẽ được trả 300 triệu/ha.
Cây tếch lai 2 năm tuổi trong vườn nhà ông Lực. Ảnh: Dương Đình Tường.


Lời mời chào đầy ngọt ngào

Những dòng chữ trên mở đầu cho công văn của Công ty Cổ phần Hà Thoa gửi cho các cơ quan chức năng, các địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ để mời chào về dự án trồng loại cây cấy gen từ 15 loại cây khác nhau, trong đó gen cây tếch có 60% còn lại 40% gen các cây khác. Quy trình trồng còn được đăng ký sáng chế sở hữu trí tuệ ngày 24/10/2018.

Cũng công văn này quảng bá tiếp: “Tếch lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, một số quốc gia trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây này đã trồng và phát triển thành chương trình trồng rừng rộng lớn.

Tếch lai là “vua” của các loài cây lâm nghiệp vì có nhiều ưu điểm: dễ trồng, thích nghi ở nhiều loại đất, lớn rất nhanh (sau 1 năm trồng cây có thể cao hơn 10m, đường kính từ 10-15cm) gỗ nhẹ, không bị mối mọt, ít bị biến dạng khi thời tiết thay đổi…

Cây này được mệnh danh là “nhà vô địch về mọc nhanh” vì có gen vượt trội. Sau 5 năm tuổi cây có đường kính bình quân 40-60 cm, cao 15-20m, sau 10 năm tuổi cây có đường kính từ 70-90cm, cao 25-30m, 20 năm tuổi đường kính 120-140cm, cao 35-40m...

Lá tếch lai rất to. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lá tếch lai rất to. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gỗ tếch lai được dùng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống như làm đồ gia dụng, ván sàn, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, thùng đựng hàng, bao bì…, làm nhạc cụ, đóng tàu lượn, tàu thủy, nội thất tàu chiến, lót vỏ máy bay, toa xe, du thuyền, ván lướt.

Ngoài gỗ, lá cây có hàm lượng đạm cao và các nguyên tố vi lượng khác… Hoa để nuôi ong và làm thuốc chữa bệnh, vỏ cây chế thuốc nhuộm. Than đốt từ gỗ dùng làm than hoạt tính, bột pháo hoa, bột chỉ màu.

Gỗ còn có khả năng chống cháy, nhiệt độ cháy thông thường của gỗ từ 223-280 độ C, điểm cháy của gỗ tếch lai ở 425 độ C… Cây tếch lai có khả năng mọc tái sinh với 5 chu kỳ vì thế hiệu quả kinh tế không cây lâm nghiệp nào sánh bằng…”.

Hình thức hợp tác cũng được công ty này giới thiệu rất hấp dẫn bởi độ chắc ăn, nông dân sẽ giàu lên một cách nhanh chóng: “Chủ đầu tư đầu tư cây giống, phân bón, kỹ thuật, người dân phải đào hố, chăm sóc, bảo vệ. Sau 5 năm khai thác nhà đầu tư sẽ trả cho dân 300 triệu/ha.

Toàn bộ khối lượng gỗ sẽ được chế biến xuất khẩu… Sau khi triển khai trồng ổn định, diện tích tăng lên 3.000 ha thì sẽ xin thuê đất đầu tư nhà máy chế biến gỗ tại địa phương”. 

Cuống lá rỗng như cuống lá đu đủ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuống lá rỗng như cuống lá đu đủ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếc thay, khi tôi lên huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) thì được đại diện của Phòng Nông nghiệp trả lời là Công ty Hà Thoa đã dừng hoạt động về cây tếch lai tuy nhiên ở đây còn có một số cá nhân, công ty khác từng tuyên truyền mạnh bạo về loại cây này.

Anh Đặng Ngọc Sáng - Phó Chủ tịch xã Bằng Doãn cho biết ở trên địa bàn có ông Vũ Tiến Lực - nguyên là một cán bộ văn hóa xã nay đã về hưu, mới mua ô tô, mở công ty để đi thuyết phục dân trồng cây tếch lai: “1 ha keo trồng 7 năm tốt mới được cỡ 70m3 gỗ, bán được chừng 100 triệu đồng, lãi khoảng 70 tiệu trong khi đó cây tếch lai giới thiệu là trồng 5 năm mà lãi 300 triệu, đầu ra bao tiêu hết nên nhiều người nghe theo.

Trên 10 gia đình đã đăng ký trồng, photo sổ đỏ đất thậm chí có nhà còn dọn sẵn thực bì, đào hố chờ đến mấy tháng nhưng không thấy giống về lại chuyển sang trồng keo.

Về tốc độ lớn của tếch lai, tôi thấy toàn quảng cáo là rất nhanh nhưng bản thân trồng thử 1 cây 2 năm rồi mà giờ thân mới chỉ bằng ngón tay cái, đã thế lại hay bị loại sâu xanh có hai cái sừng dài cắn lá như tằm ăn rỗi”.

Trong lúc chờ ông Lực về nhà tôi cùng với anh Sáng ra vườn nhà ông để xem mấy cây tếch lai 2 năm tuổi, thân cao chừng 3-4 m, bộ lá rất to, cuống rỗng như cuống lá đu đủ. Cách đó chừng vài chục mét là vườn tếch lai 100 cây mới trồng hôm 2/6/2020 xen với sắn, lá còn đang nhu nhú. Chuyện trò hồi lâu, cuối cùng thì chủ nhân của khu vườn cũng xuất hiện.

 
4 cây tếch lai 2 năm tuổi trong vườn nhà ông Lực. Ảnh: Dương Đình Tường.

4 cây tếch lai 2 năm tuổi trong vườn nhà ông Lực. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông hào hứng kể: “Tôi biết cây này do có người bạn giới thiệu với một doanh nghiệp Việt kiều Canada nên xin 10 cây về cho bà con 5 cây còn lại 5 cây trồng thử trong vườn nhưng 1 cây do tưới nước đái lợn nên đã chết.

Cây tếch Việt Nam nhiều người vẫn gọi là cây hông nhưng đây là cây lai của nước ngoài có nhiều loại gen bên trong nên mọc cao mới phân cành còn của ta chỉ mọc ngang ngực đã phân cành rồi.

Cây này mà trồng thành rừng thì đốt cũng không cháy, sâu ăn vào thì sâu chết, tốc độ lớn rất nhanh, trồng 1 lần 5 lần khai thác mà vẫn tái sinh khỏi cần trồng tiếp.

Mục tiêu của tôi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn mang lại hiệu quả cao cho bà con bởi họ trồng keo, mỡ, bồ đề, bạch đàn… kinh tế chỉ có thế, đã vậy khi chúng bị bệnh, chết không có người cứu. Cây tếch lai bây giờ trên không cho trồng đại trà, hiệu quả cũng chưa chắc chắn thì tôi trồng thử nghiệm trước, nếu ra sao chỉ một mình thiệt hại.

Thực sự tôi thấy nó lớn quá nhanh. Tôi nghe nói, hiện nay ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai đều đã trồng thử rồi. Do dịch Covid nên kỹ sư của nước ngoài chưa sang để hướng dẫn kỹ thuật theo kế hoạch được”. 

Ông Vũ Tiến Lực: Tôi mong muốn không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn cho bà con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ Tiến Lực: Tôi mong muốn không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn cho bà con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giữ sao cho cái đầu phải “lạnh”    

Vì tương lai xán lạn như được mở ra ngay trước mắt, tưởng có thể với được quả ngọt trong tầm tay nên nhiều bà con sẵn sàng lao vào loại cây trồng mới.

Theo báo cáo của các xã Phúc Lai, Tây Cốc, Bằng Doãn của huyện Đoan Hùng thì một số công ty vào thời điểm giữa năm 2019 đã đi vận động ký hợp đồng trồng tếch lai với các hộ dân trên địa bàn khiến huyện phải hỏi tỉnh, tỉnh phải hỏi Tổng cục Lâm nghiệp và được trả lời rằng: “Cây tếch lai là loài cây mới, chưa được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam vì vậy chưa có các văn bản quy phạm, tiêu chuẩn và các tài liệu được công bố về nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm hình thái, sinh thái, nguồn giống cũng như giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ.

Theo quy định tại khoản 1 điều 15 Pháp lệnh Giống cây trồng: “Giống cây trồng mới chọn, tạo hoặc nhập khẩu chưa có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh chỉ được đưa vào Danh mục này khi đã qua khảo nghiệm và được công nhận”.

Vì vậy đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ hướng dẫn Công ty Hà Thoa tiến hành trồng khảo nghiệm hoặc trồng sản xuất thử nghiệm loài cây tếch lai để đánh giá và làm các thủ tục công nhận giống mới theo quy định”.

Vườn sắn nhà ông Lực mới trồng xen 100 cây tếch lai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn sắn nhà ông Lực mới trồng xen 100 cây tếch lai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phong trào trồng cây tếch lai này gợi cho tôi nhớ cách đây chừng 15-17 năm, khi ấy cũng rầm rộ lên phong trào trồng cây hông (tếch) để xuất khẩu làm giấy in tiền, hiệu quả được quảng bá là cả chục ngàn USD/ha.

Hồi ấy hông cũng được phong “vua” của các loài cây lâm nghiệp với lấp lánh vương miện, lộng lẫy long bào, mũ mão bởi khả năng lớn nhanh như thổi, gỗ tốt vô biên, chỉ khác là chưa được gắn theo cái mác bên trong chứa tới 15 loại gen như bây giờ.

Cuối cùng đô la chẳng thấy đâu mà người dân chỉ thấy méo mặt vì cây chẳng thấy lớn, giá bán lại thấp nên phong trào trồng cây hông nhanh chóng bị xẹp như quả bóng xì hơi. Vương miện, long bào, mũ mão gắn cho nó bị rơi mất tự lúc nào. Chỉ những người “thổi” để bán giống là được lợi.

Bởi vậy trước bất kỳ đối tượng cây trồng, vật nuôi mới nào được giới thiệu bằng những lời lẽ lên tận mây xanh thì nông dân nên dùng cái đầu “lạnh” để tìm hiểu xem đặc tính cụ thể của nó ra sao, thị trường thế nào trước khi quyết định đầu tư bởi suy cho cùng “đồng tiền liền khúc ruột”.  

Cây hông (Paulownia) là cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Từ lâu, nhiều nước trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp đã chọn hông làm cây lâm nghiệp và mở rộng diện tích.

Tại Việt Nam cây hông phân bố trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, bà con đồng bào từng dùng gỗ cây này khoét lỗ làm chõ hông (đồ) xôi nên gọi tên luôn là cây hông.


Dương Đình Tường
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn